Trong thời gian qua, nhiều HTX của huyện Kim Sơn đã tận dụng tốt cơ hội, phát triển kinh tế theo mô hình đa canh cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, tự phát, HTX thanh niên Thượng Kiệm đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa trũng thấp, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng rau màu theo hướng hàng hóa. Trong nuôi tôm, toàn bộ đáy ao được sử dụng bạt ni lông che phủ giúp giảm thiểu tối đa sự tác động của những yếu tố ngoại cảnh. Hệ thống ao ươm riêng biệt cũng được HTX quan tâm, nhằm tăng cao tỷ lệ sống của tôm khi bắt đầu tiếp xúc với môi trường sống tự nhiên.
HTX cũng bảo đảm hệ thống ao 4 cấp, gồm ao chứa, ao xử lý, ao sẵn sàng và cuối cùng là ao nuôi nhằm kiểm soát nguồn nước. Việc nuôi thả tôm thẻ nước ngọt sẽ khiến môi trường ao nuôi dần bị phá hủy, bởi lượng thức ăn tồn đọng thúc đẩy sự phát triển của tảo ở đáy ao.
Sau một thời gian, tảo nổi lên trên bề mặt ao, nhưng khi tảo chết, chúng chìm xuống đáy ao, gây tích tụ amoniac và chất thải ở đáy, ảnh hưởng xấu tới môi trường tôm nuôi. Vì vậy, sau vài năm thả tôm, HTX chuyển sang thả cá để cải thiện môi trường.
Anh Nguyễn Ngọc Tỉnh, Giám đốc HTX cho biết: HTX đã chú trọng vị trí lắp thiết bị quạt nước và chia nhỏ diện tích ao nuôi để máy quạt nước có thể tạo dòng nước cuộn chất cặn vào trung tâm của đáy ao. Nếu chất thải không được dồn vào trung tâm của đáy ao, diện tích đáy ao sạch sẽ bị thu hẹp, tôm không có đủ không gian để hoạt động và sinh sống, tôm tăng trưởng kém và dễ mắc bệnh.
Nhờ áp dụng kỹ thuật, thủy sản của HTX không bị mắc bệnh, bảo đảm năng suất, chất lượng đến khi xuất bán. Không chỉ vậy, diện tích trồng hoa màu cũng được HTX quan tâm, khi chú trọng trồng rau an toàn trái vụ hoặc cho thu hoạch sớm để tăng hiệu quả kinh tế, với doanh thu cao hơn 1,5 - 2 lần thu hoạch đúng vụ. Hầu hết các thành viên đều trồng rau màu trong nhà lưới nên ít bị phụ thuộc vào thời tiết.
Các loại rau được trồng xoay vòng quanh năm, mùa nào thức ấy. Sản phẩm làm ra, HTX không phải lo tiêu thụ, vì đã có các đơn đặt hàng từ trước về tận nơi thu mua. Hiện nay, 17 thành viên của HTX đạt doanh thu trung bình 300 - 400 triệu đồng/năm nhờ trồng rau màu kết hợp nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 45 lao động địa phương.
Được thành lập từ tháng 7/2018, HTX nuôi trồng kinh doanh thủy sản cây con đặc sản Kim Tiến với 24 thành viên cùng có chung chí hướng đó là phát triển mô hình đa canh, kết hợp giữa trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Thế Cầu, Giám đốc HTX cho biết: Kế hoạch sản xuất kinh doanh của HTX đã được đại hội thành viên thông qua là phát triển kinh tế HTX theo hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi, trồng trọt, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản và cây ăn quả. HTX tổ chức liên kết các thành viên trong sản xuất, tổ chức dịch vụ cung ứng giống và vật tư; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, con nuôi và xử lý bệnh; đồng thời đảm nhiệm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm bằng việc ký kết hợp đồng bao tiêu.
Hiện nay, HTX đã triển khai sản xuất theo kế hoạch đã đề ra tại xóm 2 xã Kim Tân, huyện Kim Sơn. Cũng theo ông Cầu, dự kiến hoạt động sản xuất của HTX sẽ đem lại nguồn doanh thu khoảng 3,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Phát triển mô hình đa canh không phải là mô hình mới, song với việc chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 đã tạo đà cho các HTX triển khai sản xuất, kinh doanh theo mô hình này. Tính đến tháng 8/2018, trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện có 47 HTX, trong đó có 29 HTX nông nghiệp và 4 HTX thủy sản hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Nhìn chung, sau khi chuyển đổi, các HTX đã đi vào hoạt động theo hướng đa ngành, mỗi HTX có từ 3-4 ngành nghề, dịch vụ sản xuất kinh doanh như: dịch vụ tưới tiêu, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ làm đất… Hoạt động HTX bước đầu mang lại lợi ích cho các thành viên và bà con nông dân.
Đồng thời hình thành mô hình hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ ếch Thái Lan và baba gai tại xã Ân Hoà, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đinh lăng tại xã Thượng Kiệm…
Một thuận lợi khác mà các HTX nên tận dụng đó là cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng cây con có giá trị kinh tế cao, thực hiện theo Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 02 của Huyện ủy Kim Sơn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.