1, Thu mua hải sản ở Bà Rịa Vũng Tàu
Các mặt hàng mà thương lái Trung Quốc mua là cá mắt kiếng, cá hố, cá bò, bạch tuộc hai da, cá thu khô, cá chỉ vàng khô, mực nang khô…với mức giá cao hơn trong nước từ 5.000-10.000 đồng/kg. Có lúc mua ồ ạt trong thời gian ngắn với giá tăng vọt rồi ngưng đột ngột hoặc mua ép giá. Lần này Trung Quốc kết hợp các vựa mua hải sản hoặc với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ trong nước nên rất khó kiểm soát. Khi đã gom đủ, hàng được chuyển đi dưới danh nghĩa người Việt Nam xuất khẩu.
2, Công khai ra cảng mua cá tại cảng cá Vĩnh Lương
Năm 2011, 2/3 số cá đánh bắt được ở cảng cá Vĩnh Lương (Khánh Hòa – Nha Trang) được bán cho người Trung Quốc. Trước khi tàu cập bến, thương lái Trung Quốc đã chờ sẵn để mua cá, họ trực tiếp chọn cá và thương lượng giá cả với ngư dân, thường thì mua cao hơn giá trong nước chỉ chút ít. Không chỉ cảng Vĩnh Lương mà hầu hết các cảng cá ở Khánh Hòa đều có lái buôn Trung Quốc đến thu mua trực tiếp.
Đặc biệt, họ thu mua cả cá tạp, cá độc làm các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trong nước rơi vào tình trạng khan hiếm nguyên liệu.
3, Thu gom cá cơm cuối năm 2012
Tháng 10/2012 , thương lái Trung Quốc đẩy mạnh thu mua cá cơm với giá thu mua cao gấp 3-4 lần giá trong nước, bà con ngư dân ồ ạt bán cá cơm cho Trung Quốc. Làm cạn kiệt nguồn cá nguồn cá cơm sản xuất nước mắm cơm khiến nhiều làng làm nước mắm và các doanh nghiệp điêu đứng vì không còn nguyên liệu để sản xuất.
4, Thu mua cua ở Cà Mau
Đầu tháng 1/2013, công an tỉnh Cà Mau phát hiện lái buôn Trung Quốc giả dạng khách du lịch thu mua cua biển. Chúng mua với giá cao, trả tiền sòng phằng, đến khi tạo được lòng tin thì hỏi mua chịu, mượn tiền vàng sau một thời gian thì biến mất.
Vụ lừa đảo này của lái buôn Trung Quốc làm điêu đứng nhiều vựa cua và người mua bán cua ở Cà Mau. Nhiều vựa cua bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng, có vựa mất gẩn 2 tỷ. Điều đáng nói là bà con quá cả tin trong khi cuối năm 2012 đã có những vụ lừa đảo tương tự ngay tại Cà Mau.
5, Bất ổn thu mua tôm
Gần đây nhất là tình trạng thu gom tôm nguyên liệu, kể cả tôm chất lượng thấp, tôm bị bơm tạp chất của thương lái Trung Quốc ở ĐBSCL đang khiến nhiều nhà máy chế biến thủy sản lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất uy tín của con tôm Việt Nam, làm gia tăng bất ổn thị trường nguyên liệu tôm.
6, Ép giá tôm hùm
Khác với các vụ việc thu gom số lượng lớn, giữa năm 2012 Trung Quốc đột ngột giảm giá thu mua tôm hùm khiến tôm hùm rớt giá thê thảm.
Do chủ yếu chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường này, nên khi Trung Quốc quay lưng ép giá ta đành đứng nhìn mà không thể can thiệp.
Không chỉ mua với giá thấp, Trung Quốc còn không mua tôm loại I,II mà chỉ mua loại III, trong khi hàng của ngư dân đa phần đều là loại I.
Vụ nuôi này, ngư dân lỗ vốn và gặp rất nhiều khó khăn vì tôm bị dịch bệnh hao hụt nhiều, giá thức ăn tăng cao, thời gian nuôi dài trong khi giá tôm ngày càng tụt dốc.
Kết
Thực tế cho thấy việc thu mua hàng bất thường đều mang lại nhiều bất lợi, làm nhiễu thị trường, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, làm ăn với thương lái Trung Quốc rủi ro rất cao. Khi cần hàng, thương lái TQ đẩy giá thu mua lên cao hơn giá thị trường từ 5-10%. Khi chi phối được nguồn hàng, họ bất ngờ ép giá, không mua hàng hoặc bỏ trốn gây tồn đọng số lượng lớn.
Do đó, cần bình tĩnh, thận trọng, làm chủ thị trường và có biện pháp can thiệp kịp thời trong những vụ thu mua hàng bất thường của Trung Quốc.