Tuy nhiên, cá tràu sống tự nhiên ngoài hoang dã thì mới ngon vì thịt săn và có vị ngọt. Món này thường ăn với cơm, bún, bánh tráng nướng, mì Quảng… đều ngon...
Lúc sinh thời, mẹ tôi cho hay, người miền Trung xứ Quảng thường chế biến món này để cúng tổ tiên ông bà, nhất là trong dịp tết như cúng rước ông bà, cúng tiễn ông bà… Sở dĩ món ăn có tên “óm”, có thể là món này chỉ cách nấu nhỏ lửa, còn gọi là “om”, sau đó đọc trại thành “óm”.
Tôi còn nhớ như in, thời tôi còn thơ ấu, tết năm nào cũng vậy, mẹ làm món cá tràu “óm” để cúng rước và tiễn ông bà.
Trước tiên, mẹ làm sạch vảy cá, bỏ mang (nhưng nhớ giữ lại bộ lòng cá vì đây là phần được coi là đặc sắc nhất), ngâm sơ qua nước muối pha để loại bỏ nhớt tanh. Thân cá cắt xéo đều nhau nhưng giữ nguyên con rồi tẩm ướp gia vị gồm mắm, muối, củ hành tím giã giập, ít đường, bột ngọt... trong khoảng 1 tiếng cho thấm.
Trong khi chờ đợi, mẹ giã nhuyễn một ít củ nghệ tươi, vắt lấy nước và chuẩn bị thêm ít nấm mèo, bún tàu cắt nhỏ.
Xong đâu vào đấy, mẹ phi dầu phộng (dầu lạc) với tỏi cho thơm rồi rưới đều lên con cá đã ướp. Sau đó cho cá, nước nghệ cùng nấm mèo, bún tàu vào nồi đất, đun nhỏ lửa cho cá chín nhừ. Sau đó, mẹ dọn lên bàn thờ cùng với các món khác và không quên đĩa rau sống có chuối cây xắt mỏng trộn với các loại rau thơm, rau má...
Tuổi thơ tôi đã qua bao mùa lũ lụt nơi miền Trung nghèo khó, lớn lên bằng những hạt lúa, củ khoai trên nương trên rẫy; con tép bạc, con cá trên mương cạn, dưới đồng sâu do mẹ bắt về. Ngày ấy, để có tiền mua mắm muối, sách vở, áo quần… cho anh em chúng tôi, mẹ thường “mang tơi đội nón”, “lặn lội thân cò…” ở đồng sâu lạnh giá để mò tôm, bắt cá về ăn.
Giáp tết, gặp những con cá tràu lớn đáng giá, dù thương đàn con nhưng mẹ vẫn “bấm bụng” mang ra chợ bán kiếm tiền mua cho anh em chúng tôi tấm áo mới mặc trong ngày tết để “sánh vai” cùng chúng bạn. Gặp khi cúng, giỗ mẹ cố tìm vài con để nấu cúng ông bà. Những dịp như thế, sau khi cúng, anh em chúng tôi mới được ăn thỏa thích.
Hàng năm, tháng Giêng có ngày giỗ mẹ, món cá tràu “óm”, dù làm rất kỳ công nhưng anh em tôi vẫn làm để trước thì quảy (cúng) mẹ, sau là ăn để nhớ công lao của mẹ hiền ngày ấy và ôn lại những kỷ niệm trong những ngày thơ tấm bé của anh em chúng tôi khi xuân đến tết về.
Và ngày nay, mỗi khi đi qua đám ruộng rộc nhà ai, thấy người đang “mang tơi đội nón”, tôi cứ ngỡ dáng mẹ đang lom khom bắt cá trên cánh đồng làng. Kỷ niệm ngày thơ tấm bé ập về, mắt tôi bỗng cay cay. Ước gì mẹ tôi sống lại!