4 giờ sáng, vùng đầm phá của thôn Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) đang chìm trong bóng đêm dày đặc bỗng sáng dần lên bởi những ánh đèn pin. Ánh đèn từ tám hướng tiến về theo sự di chuyển của hàng trăm chiếc thuyền bé nhỏ. Rồi những chiếc thuyền tiến đến gần nhau khiến ánh đèn chụm lại, tạo nên một điểm sáng lớn giữa mênh mông đầm phá. Đó là cảnh họp chợ tại chợ nổi thôn Mỹ Thạnh khi quan sát từ trong bờ.
Cứ ngỡ là chợ thì sẽ ồn ào lắm, nhưng đến gần thì thấy rất trật tự. Lời nói, tiếng cười giữa người bán và kẻ mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Người trao hàng, người nhận hàng rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có lời ngã giá.
Người bán hàng ở chợ nổi này là những ngư dân hành nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Họ ra khơi đánh bắt từ đầu giờ tối, đến khoảng 3 giờ sáng thì chạy thuyền về chợ để bán những mớ cá, tôm còn tươi rói. Ngoài dân trong vùng, khách mua ở đây còn là tiểu thương buôn thủy sản. Người bán thì bán hàng nhanh để trở về nhà ngủ một giấc, người mua thì mua cho kịp buổi chợ sáng. Hoạt động của chợ vì vậy chỉ diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ, vội họp và vội tan.
Ngoài chợ nổi Mỹ Thạnh, trên phá Tam Giang còn có chợ nổi Đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang). Ngoài bán cá, chợ nổi Đầm Chuồn còn bán đặc sản nổi tiếng của xứ Huế là món bánh khoái cá kình.
Nhiều năm trở lại đây, các chợ nổi Mỹ Thạnh và Đầm Chuồn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Huế. Trên những chiếc thuyền tròng trành, họ say mê quan sát, chụp ảnh, quay phim cảnh mua bán ở chợ. Rồi họ mua những mớ cá, tôm, cua còn tươi rói mang lên những nhà chồ được dựng trên phá rồi tự tay chế biến, hay nhờ ngư dân làm giúp để thưởng thức.
Bà Trần Thu Minh (du khách đến từ Hà Nội) là người đã 5 lần đi chợ nổi Đầm Chuồn bảo, chợ nổi này không quy mô bằng các chợ nổi ở miền Tây Nam Bộ nhưng sự cuốn hút thì không thua kém. “Tôi thích cuộc sống bình dị ở đây. Thủy sản ở đây thì ngon chẳng nơi đâu sánh bằng”- bà Minh chia sẻ.
Ông Nguyễn Tường- Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: Chợ nổi Mỹ Thạnh đã có tuổi đời hàng trăm năm và được đưa vào khai thác du lịch để tăng thêm thu nhập cho người dân. “Những trải nghiệm về cuộc sống thường nhật chân chất của người dân vùng đầm phá khiến du khách rất thích thú nên tìm về ngày càng nhiều”- ông Tường kể.