Xuân này, gia đình nhiều ngư dân ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận hứa hẹn sẽ được đón một cái Tết no đủ, nhờ những chuyến đi biển bội thu trên con tàu đóng mới bằng nguồn vốn 67 của Chính phủ.
Tự tin vươn khơi
Giáp Tết Nguyên đán, gió thổi mạnh, biển dậy sóng nên hầu hết tàu công suất lớn ở Phú Quý đều nghỉ ngơi, chờ ăn Tết xong sẽ ra khơi trở lại. Cũng như nhiều ngư dân khác trên đảo, anh Châu Minh Cương (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) đang neo con tàu BTh 97479TS vào trong cảng Phú Quý. Con tàu này có công suất 500CV được đóng mới bằng nguồn vốn 67. Kể từ sau ngày hạ thủy 16/6/2015, anh Cương đã tổ chức được 3 chuyến đánh bắt hải sản ở Trường Sa, trừ các chi phí, anh lãi khoảng 500 triệu đồng.
Trước đó, do không có vốn làm ăn, gia đình anh Cương chỉ sắm được chiếc ghe nhỏ 33CV, hoạt động từ 30 hải lý trở lại, thu nhập đắp đổi qua ngày. Khi địa phương triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển thủy sản, anh đã mạnh dạn đóng con tàu 500CV với kinh phí gần 5,8 tỷ đồng, trong đó 4 tỷ đồng là tiền vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Hiệu quả mang lại từ những chuyến biển đầu tiên giúp anh tự tin để làm giàu nơi những vùng biển xa của Tổ quốc. Anh Cương hồ hởi bày tỏ: “Nếu không có vốn 67, tôi nghĩ mình không bao giờ có điều kiện vươn khơi như thế này. Trong những năm tới, tôi sẽ cố gắng cật lực hơn nữa để có thể nhanh chóng trả tiền vay ngân hàng trước thời hạn”.
Chưa năm nào chồng đi biển mang về số tiền lớn như vậy, chị Nguyễn Thị Mười Một, vợ anh Cương rất phấn khởi, vì gia đình bớt cơ cực. Cũng nhờ làm ăn hiệu quả, Tết năm nay gia đình anh chị no đủ hơn trước. Chị Nguyễn Thị Mười Một chia sẻ: “Tết này có tiền nên sinh hoạt thoải mái. Mua sắm cho con cái cũng nhiều hơn. Mừng lắm!”
Năm vừa qua, anh Đặng Bi (thôn Phú Long, xã Long Hải) cũng vay 3,5 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT Phú Quý. Cùng với kinh phí tự có, gia đình anh đóng con tàu vỏ gỗ công suất 500CV, hành nghề câu khơi, với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Đầu tháng 6/2015, tàu cá mới mang số hiệu BTh 97887 của anh được hạ thủy. Hai tuần sau đó, tàu cùng các thuyền viên bắt đầu xuất bến vượt hàng trăm hải lý đánh bắt quanh vùng biển Trường Sa.
Vừa trở về từ chuyến biển thứ hai, anh Đặng Bi cho biết: “Từ lúc hạ thủy đến cuối năm 2015, tôi đi được hai chuyến dài ngày ở quần đảo Trường Sa. Chuyến đầu được 9 tấn cá, chuyến tiếp theo được khoảng 8 tấn. Trừ phí tổn, hai chuyến vừa rồi gia đình thu được khoảng 700 triệu đồng. Nếu cứ đà này, tôi tin rằng trong 5 đến 6 năm tới, tôi có thể trả được hết gốc và lãi cho ngân hàng”.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Theo Ngân hàng NN&PTNT huyện đảo Phú Quý (Agribank Phú Quý), toàn đảo đã có 130 hồ sơ được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong số đó, 36 trường hợp đã đến ngân hàng đăng ký vay vốn và 24 chiếc đã được giải ngân với tổng số tiền 115 tỷ đồng. Từ số vốn này, 14 chiếc đóng mới đã hoàn thành, hạ thủy, đưa vào khai thác trong quý 4/2015.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Agribank Phú Quý nhận định: “Qua theo dõi của chúng tôi, trong quý 4, số tàu hạ thủy đã đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Trừ chi phí, bình quân mỗi tàu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/chuyến. Ngân hàng rất mừng vì đồng vốn Chính phủ đầu tư cho ngư dân đúng mục đích và hiệu quả. Số tàu này nếu hoạt động tốt sẽ có khả năng trả gốc và lãi đúng hoặc trước thời hạn”.
Tàu cá neo đậu ở đảo Phú Quý
Huyện đảo Phú Quý cách Phan Thiết 56 hải lý về hướng Đông Nam. Khai thác hải sản là ngành nghề truyền thống có từ lâu đời trên đảo. Phát triển kinh tế biển cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết: “Nghị định 67 ra đời chính là bước ngoặt lớn, giúp cho nhân dân đảo Phú Quý được tiếp cận nguồn vốn, đóng tàu lớn, vươn khơi xa. Ngư dân trên đảo rất phấn khởi. Tôi tin, trong tương lai, chính sách hỗ trợ vốn đóng tàu theo Nghị định 67 và các chính sách khác sẽ giúp ngành kinh tế biển của huyện đảo Phú Quý tiếp tục phát triển, gắn với nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”./.