Bám biển đến 28, 29 Tết
Vào thời điểm gần Tết, các tàu đánh bắt xa bờ đang lần lượt về bến nghỉ ngơi thì vẫn có một số tàu nhổ neo, bám biển đến tận ngày 28, 29 tháng Chạp. Ngư dân Trần Văn Thương (55 tuổi, trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: “Gần Tết, người làng biển chúng tôi gọi là ngày tháng làm ăn vì giá các loại cá đều tăng nhanh so với ngày thường. Khi đánh bắt về, bán rất dễ trúng, có chuyến tàu trúng gấp 2 - 3 lần so với những ngày ra khơi bình thường”. Ông Thương cười, vẻ hóm hỉnh: “Làm ăn cả năm, tôi chỉ mong đến mấy ngày Tết để kiếm chút đỉnh, tích góp mua thuyền lớn hơn, vươn khơi xa hơn và có Tết no đủ”.
Không chỉ mang đến sự đủ đầy cho gia đình ông Thương mà gần chục lao động thường xuyên trên thuyền cũng có những cái Tết ý nghĩa, sung túc nhờ những ngày cận Tết vươn khơi. “Tết năm ngoái, tôi được chia mười mấy, gần hai chục triệu khi cùng ông chủ ra ngư trường đánh bắt mấy chuyến. Rứa là lo Tết thoải mái, còn lại dành dụm cho con học hành” - một ngư dân nhẩm tính lại kết quả ra khơi của Tết năm 2013.
Mỗi chuyến nhổ neo của ngư dân trong dịp gần Tết thường chỉ cách đất liền chừng 30-40 hải lý và đánh bắt vài ngày là quay trở về. Lý giải vì sao không vươn ra khơi xa trong những ngày này, ngư dân Nguyễn Văn Ánh (57 tuổi, trú Q. Sơn Trà) cho hay: Ngày Tết, người dân ưu tiên dùng thực phẩm tươi, ngon nên đòi hỏi ngư dân đánh bắt hải sản phải vào bờ sớm. Hơn nữa, đi gần sẽ thực hiện được nhiều chuyến hơn, bám biển đến tận ngày 29 nhưng vào đất liền ăn Tết vẫn kịp”.
Ngoài khai thác các sản vật tươi ngon phục vụ cho Tết, ngư dân còn dùng các loại thuyền thúng nhỏ, thuyền máy để đánh bắt các sản vật chỉ có trong mùa xuân như tép (ruốc), rong biển (mứt)... chế biến thành các loại đặc sản phục vụ cho cả trong và ngoài Tết.
Những chuyến tàu cuối năm của ngư dân ra khơi cũng trở nên đặc biệt và đáng nhớ hơn so với những chuyến tàu ngày thường, bởi lẽ ngoài việc mang theo các nhu yếu phẩm cần thiết, các chủ tàu còn trang bị thêm chút “mồi” và đồ uống để mang cái không khí ngày xuân từ đất liền ra biển cả. “Đặc cách này chỉ dành cho chuyến biển cuối năm thôi, chứ ngày thường làm gì có chuyện nhậu nhẹt dưới thuyền. Hơn nữa, cuối năm cũng là dịp dâng cúng thần linh, sau đó các thành viên trên thuyền được một bữa tiệc nhỏ với đầy đủ hương vị ngày Tết” - ngư dân Đoàn Văn Long tâm sự.
Tết ở làng biển
Đối với người làng biển, đời sống tinh thần, tín ngưỡng rất đỗi quan trọng trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Vì thế, vào khoảng nửa sau tháng Chạp người dân đã bắt đầu viếng mộ ông bà, dọn dẹp đình làng, chùa chiền, miếu mạo... chuẩn bị cho một cái Tết tươm tất. Ông Trần Văn Lự - Trưởng ban Khánh tiết đình làng Nam Thọ, P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà cho biết: “Công việc dọn dẹp phải được hoàn thành trước ngày 29, sau đó, ngày 30 dân làng sẽ dâng cúng sản vật tại miếu Ông, miếu Bà và rước các vị thần về đình làng ngự Tết”.
Ngoài những nét văn hóa riêng có của ngư dân làng biển, các sinh hoạt truyền thống khác của đất nước trong dịp Tết cũng được người dân làng biển duy trì song song. Đây là một trong những yếu tố khiến cho văn hóa làng biển phong phú, đa dạng.
“Sáng mồng 1 Tết Nguyên đán, mọi công dân của làng đều có mặt tại đình làm lễ chào cờ, tưởng nhớ công ơn của các thế hệ đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay phải sống sao cho xứng đáng... Cán bộ địa phương trực tiếp tham gia buổi lễ chào cờ gửi lời chúc Tết đến bà con, chúc cho năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy khoang... Sau đó, làng sẽ thành lập đoàn chúc Tết các gia đình cách mạng và cao niên, tổ chức các trò chơi dân gian...” - ông Lự kể thêm.
Ẩm thực ngày Tết của ngư dân không thể thiếu các sản vật của biển. Cá để thờ cúng và tiếp đãi khách những ngày Tết bao giờ cũng là cá tươi, ngon nhất được ngư dân để lại sau chuyến đi biển cuối cùng của năm. Không chỉ có sản vật tươi, những sản vật khô, tẩm ướp gia vị như cá, mực, tôm... nhà nào cũng phải có để khi khách tới nhà ngồi vừa “nhâm nhi”, vừa hàn huyên chuyện trò về những chuyến vươn khơi sau một năm vất vả.
Sau những ngày vui xuân đón Tết ngư dân lại tiếp tục bám biển. Trong niềm vui của ngày xuất hành có những niềm tin mới, hy vọng mới về đời sống ngày càng sung túc và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên biển mà những ngư dân mang theo trên từng con tàu cắm lá cờ đỏ thắm trong mỗi lần vươn khơi...