Great Blue Hole là hố chìm khổng lồ nằm ngoài khơi bờ biển Belize. Hố có đường kính 318 m và độ sâu 124 m, bên trong là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển kỳ lạ như cá vẹt, cá mập san hô. Great Blue Hole có thể coi là hố sụt quyến rũ nhất hành tinh, nơi thu hút rất nhiều thợ lặn khám phá hàng năm.
Núi lửa Darvaza được mệnh danh là Cổng địa ngục. Đây là một miệng núi lửa ở sa mạc Karakum của Turkmenistan bị đốt cháy từ năm 1971. Không ai chắc chắn hố chìm này hình thành thế nào, có một giả thuyết rằng đây là kết quả của một dàn khoan khí đốt đã sụp đổ của Liên Xô cũ.
Hố Thiên Đường là hố sụt lớn nhất thế giới, nằm ở huyện Phụng Tuyết, Trùng Khánh, Trung Quốc. Hố dài 626 m, rộng 537 m và sâu từ 511-622 m. Du khách tới đây tham quan có thể đi xuống hố từ một cầu thang 2.800 bậc. Tuy nhiên, bạn cần để ý một số động vật hoang dã như báo đen đã được nhìn thấy quanh khu vực.
Hố sụt Umpherston ở Mount Gambier, Australia, được trang trí xung quanh bằng một khu vườn tuyệt đẹp tạo ra từ thế kỷ 19. Hố rộng 50 m, sâu 20 m, là hố sụt hiếm hoi mở cửa cho du khách tham quan tự nhiên chứ không giới hạn như những nơi khác.
Hình ảnh một hố sụt ở rìa đại dương tại bãi biển Broken ở Nusa Penida, Indonesia. Nóng bỏng và ngoạn mục là những mỹ từ mà du khách tới đây dành tặng cho bãi tắm bên trong hố sụt độc đáo này.
Hố sụt trên đồng bằng Nullarbor, Australia, được hình thành sau khi một hang đá vôi sụp đổ. Bên dưới hố sụt này là một mê cung rộng lớn được hình thành từ các hang động đá vôi, đường hâm, bao xung quanh bởi cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp.
Hố sụt kỳ lạ nằm giữa Thái Bình Dương này được gọi là Thor"s Well (Giếng của thần Thor) thu hút rất nhiều du khách tới đây tham quan hàng năm. Dù chỉ sâu 6 m, hố sụt này hút nước ở xung quanh vào bên trong tạo nên một quang cảnh siêu thực như ở hành tinh khác.