Những chuyến biển thất bát
Sau 3 ngày ra khơi, vật lộn trên biển, lão ngư Nguyễn Văn Lưa (62 tuổi, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang) cùng 2 người con trai trở về đất liền an toàn. Nhưng lên bờ, những lo toan lại ùa về với lão ngư có thâm niên 54 năm bám biển bởi sản phẩm thu được chỉ là hơn 4 tạ cá tạp cùng vài chục kg tôm, mực và bạch tuộc. “Chuyến đi này chắc không đủ chi phí rồi” - ông Lưa chỉ xuống khoang tàu trầm giọng nói. Với gần chục miệng ăn, lại phải lo cho 2 người con còn đi học, nên chuyến ra khơi kế tiếp, gia đình ông Lưa chắc chắn sẽ phải chạy vạy vay mượn để có tiền cho tàu “ăn dầu”, mua đá cây và thực phẩm. “Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 3 - 4 ngày. Tiền dầu, tiền đá cây, tiền thực phẩm ngót nghét 6 triệu đồng. Vậy mà chuyến vừa rồi chắc chỉ thu được hơn 5 triệu bạc!”, ông Lưa buồn rầu nói.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thịnh (41 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lệ Xuân, làm nghề lưới hai ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (Nha Trang) cũng có chung nỗi buồn đó. Chị Xuân tâm sự: “Cả nhà có 5 miệng ăn, 2 đứa con đang đi học, tất cả đều trông vào chiếc tàu 24CV của gia đình. Vậy mà những năm gần đây, việc đánh bắt chẳng được bao, khiến cuộc sống gia đình tôi đã khó khăn càng khó khăn hơn. Không đủ trang trải cho các con ăn học, tôi phải chạy đôn, chạy đáo vay tiền của bà con, họ hàng. Vất vả là thế, khổ là thế nhưng không đi biển thì chẳng biết làm nghề gì khác”.
Nhiều người cho rằng, do có quá nhiều tàu thuyền với nhiều loại ngư cụ đánh bắt gần bờ khiến sinh vật biển không kịp sinh sôi, phát triển. “Một số tàu công suất khoảng 600CV sử dụng giã cào dài hàng trăm mét càn quét vùng ven bờ. Cá, tôm, cua, ốc lớn nhỏ đều bị bắt hết, không con nào thoát”, một ngư dân nói.
Bạch tuộc là loài sống dưới đáy biển nhưng vẫn không thể thoát khỏi lưới giã cào.
Nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt nên nhiều tàu thuyền của ngư dân phải “đánh liều” đi khơi xa với hy vọng cải thiện về sản lượng. Theo đó, chi phí mỗi chuyến đi biển cũng nhiều hơn. “Việc đi đến những vùng biển xa luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khó lường. Tàu thuyền của chúng tôi có công suất nhỏ, vốn không cho phép đi ra xa, nhưng vì không đánh được ở gần bờ nên chúng tôi phải đánh cược với biển”, ông Lưa nói.
Chưa kiểm soát được
Lý giải về việc nguồn lợi hải sản ven bờ đang bị cạn kiệt, ông Võ Khắc Én - Trưởng phòng Quản lý khai thác nguồn lợi và môi trường thủy sản (Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh) cho rằng: “Trước kia, số lượng tàu thuyền đánh bắt ít nên cá có đủ thời gian sinh sản, sinh trưởng. Còn hiện nay, số lượng tàu thuyền đánh bắt gần bờ lớn, nhiều ngư cụ, cường lực khai thác lớn nên nguồn lợi bị cạn kiệt, trong khi tỉnh lại chưa có cơ quan chuyên trách để lo vấn đề này”.
Ông Én cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có 9.780 tàu thuyền các loại, trong đó, số tàu có công suất từ 90CV trở lên chỉ có 1.080 chiếc. Riêng số tàu đánh bắt gần bờ có công suất nhỏ hơn 20CV chiếm hơn 50%. Theo ông Én, những tàu từ 90CV trở lên mới có khả năng đánh bắt khơi xa. Còn những tàu thuyền công suất nhỏ chỉ có thể đánh vùng lộng và vùng ven bờ. Số này đa số của hộ nghèo, không có điều kiện trang bị vật dụng cần thiết để ra khơi xa. “Chúng tôi đã giao cho địa phương quản lý những tàu dưới 20CV. Ngư dân không được đóng tàu có công suất dưới 20CV. Ai cố tình đóng mới tàu loại này, chúng tôi sẽ xử phạt. Hy vọng, với cách làm này, chúng tôi sẽ hạn chế được đội tàu này. Nhưng việc này liên quan đến an sinh xã hội nên phải làm từ từ” - ông Én nói.
Ông Én cũng cho biết: “Hiện Chi cục không có tàu để đi kiểm tra vấn đề này; đơn vị chỉ tập trung tuyên truyền cho ngư dân, còn người dân đánh bắt thế nào thì không kiểm soát được. Chúng tôi đã đề nghị thành lập lực lượng kiểm ngư chuyên sâu về việc này nhưng đến nay chưa có kết quả. Khả năng đến năm 2014, sẽ có Chi cục Kiểm ngư vùng. Khi đó, sẽ có đội tàu giám sát, kiểm tra việc đánh bắt hải sản của ngư dân”.
Nguồn hải sản gần bờ cạn kiệt nên nhiều tàu thuyền của ngư dân phải “đánh liều” đi khơi xa với hy vọng cải thiện về sản lượng. Theo đó, chi phí mỗi chuyến đi biển cũng nhiều hơn. “Việc đi đến những vùng biển xa luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, khó lường. Tàu thuyền của chúng tôi có công suất nhỏ, vốn không cho phép đi ra xa, nhưng vì không đánh được ở gần bờ nên chúng tôi phải đánh cược với biển”, ông Lưa nói.
Cần thay đổi nhận thức về bảo tồn
Cá khoang cổ nemo - một trong những loài cá cảnh quý ở quần đảo Trường Sa đang được bảo tồn nguồn gen tại Viện Hải dương học (Nha Trang).
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang) cho biết: Theo đánh giá của Chương trình môi trường Liên hợp quốc, việc khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản đang được coi là một trong 3 vấn đề môi trường nghiêm trọng nhất của biển Đông hiện nay. Việt Nam không nằm ngoài đánh giá chung này. Lý giải về nguyên nhân, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn khẳng định, việc tuân thủ pháp luật của ngư dân Việt Nam còn yếu, dẫn đến việc khai thác thủy hải sản quá mức như hiện nay. Bên cạnh đó là tình trạng khai thác hủy diệt như sử dụng thuốc nổ, các chất gây mê (xyanua) để bắt cá sống, cá cảnh… khiến nhiều đối tượng thủy hải sản bị đe dọa nghiêm trọng. “Trong sách đỏ Việt Nam hiện có rất nhiều loài ở mức độ rất nguy cấp, nguy cấp và sẽ nguy cấp. Chẳng hạn, bò biển là loài quý hiếm, bị đe dọa trên toàn cầu nhưng ở nước ta vẫn bị săn bắt lén lút. Ngoài ra, còn rất nhiều loài như ốc tù và, ốc xà cừ, ốc đụn… thuộc dạng rất nguy cấp và nguy cấp” - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn nói.
Trò chuyện với Phó giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn, chúng tôi nhận thấy, để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc cần có chế tài đối với những hành vi khai thác thủy hải sản theo kiểu tận diệt, nên xây dựng nhiều khu bảo tồn biển và quản lý có hiệu quả. Ngoài ra, cần xây dựng các mô hình có sự tham gia của các thành phần khác nhau. “Quan trọng nhất là chúng ta chưa hiểu rõ về tài nguyên đa dạng sinh học biển. Rất nhiều nhà quản lý cho rằng, khai thác với bảo tồn là đối nghịch nhau, nhưng thực ra không phải. Việc khai thác hợp lý sẽ giúp bảo tồn. Đừng lấy lý do tại người dân nghèo. Nếu cứ khai thác như hiện nay thì sẽ còn nghèo nữa. Không thể vì nghèo mà tàn phá môi trường, nguồn lợi. Hiện nay, mình đang lấy nghèo đối nghịch với bảo tồn, phát triển. Tôi cho rằng, nếu không thay đổi nhận thức thì không làm bảo tồn được, mà càng khai thác theo kiểu tận diệt thì càng nghèo hơn” - Phó giáo sư - Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn khẳng định.