Không chỉ có thể tự tái tạo phần đuôi của mình, loài thằn lằn trinh nữ Whiptail (thuộc chi Cnemidophorus) có một "mánh" khác trong việc duy trì nòi giống: tự nhân bản chính mình. Trên thực tế, loài thằn lằn này chỉ tồn tại con cái và sinh sản bằng phương pháp thụ thai đơn tính - tức là trứng của loài này không cần qua thụ tinh, mà phát triển luôn thành cá thể mới.
Một số loài cá mập trong đó có cá mập đầu búa và cá mập tre đốm trắng cũng thuộc loài thụ thai đơn tính. Sau khi quan sát sự thụ thai đơn tính ở loài cá mập búa trong điều kiện nuôi nhốt, các nhà khoa học ở Viện Hải dương học Belle Isle đã thử nghiệm với loài cá mập tre đốm trắng và thành công. Một số nhà nghiên cứu đặt giả thuyết, chính khả năng thụ thai đơn tính này đã giúp cá mập trở thành một trong những loài động vật sống lâu trên Trái đất.
Một số loài sao biển sử dụng hình thức sinh sản vô tính phân mảnh như việc sinh sản chính của mình. Sao biển có thể tự tái tạo từ các “cánh tay” nếu những “cánh tay” này gắn liền với một phần “chiếc đĩa trung tâm”. Ở một số loài, “cánh tay” tự động tách ra và phát triển thành một cá thể mới có đặc tính di truyền giống hệt bản thể cũ.
Những con rệp vừng cái có khả năng tự nhân bản bằng cách tạo ra 100 bản sao mang toàn bộ ADN của mình và không bị xáo trộn bởi những gene khác. Những đứa con của rệp vừng có vòng đời đến 40 ngày và chúng cũng tạo ra những bản sao của riêng mình. Sau quãng thời gian ngắn của mùa Hè, một con rệp vừng đủ sức “sáng chế” được cả đoàn quân.