Tuy nhiên, về Vân Đồn hiện tại, tình hình sản xuất trầm lắng hơn mọi năm, nhiều diện tích mặt nước nuôi trồng bỏ hoang, một bộ phận không nhỏ người nuôi trồng đã bỏ nghề và một số lượng lớn lồng nuôi bỏ hoang hoặc bị đem đi bán phế liệu.
Lỗ 80%, vẫn phải bán phế liệu lồng nuôi
Trong thời gian qua, những hộ thu mua phế liệu tại địa bàn huyện Vân Đồn có thêm nguồn cung cấp phế liệu lớn từ các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là những hộ nuôi tu hài.
Để tìm hiểu thực trạng này, phóng viên đã đến một số cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn huyện Vân Đồn. Tại cơ sở Xuân Loan, thị trấn Cái Rồng, trong bãi thu mua, những chiếc lồng nuôi thủy sản chất thành những đống lớn mà trong đó phần nhiều là những chiếc lồng nuôi tu hài - một loại nhuyễn thể được coi là thương hiệu của thủy sản Vân Đồn.
Chị Lã Thị Loan, chủ cơ sở thu mua phế liệu Xuân Loan cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, một lượng lớn lồng nuôi trồng thủy sản của người nuôi trồng tại Vân Đồn đã được thu mua dưới dạng phế liệu. Chỉ riêng cơ sở của gia đình chị đã thu mua với số lượng hàng mấy chục tấn. Tại thị trấn Cái Rồng có ít nhất 3 điểm thu mua phế liệu thì có thể thấy số lượng là lớn thế nào. Giờ đang chuẩn bị vụ nuôi mới nhưng người dân vẫn bán rất nhiều.
Lý giải cho thực trạng này, ông Nguyễn Quang Ninh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vân Đồn cho biết thiệt hại của dịch tu hài năm 2012 đối với người nuôi thủy sản Vân Đồn là quá lớn. Rất nhiều hộ đã trở nên khánh kiệt, không còn khả năng tiếp tục nuôi trồng. Từ con số hàng nghìn hécta mặt nước nuôi trồng tu hài, đến nay trên địa bàn huyện chỉ còn khoảng vài chục hécta được các hộ dân đang nuôi thăm dò trở lại...
Theo thống kê thiệt hại dịch bệnh năm 2012, trên địa bàn huyện có khoảng 700 hộ dân và 20 công ty, doanh nghiệp tham gia nuôi trồng, tổng giá trị thiệt hại lên đến trên 200 tỷ đồng riêng về giống. Trong đó, có nhiều hộ nuôi bị thiệt hại nặng do đầu tư diện tích rộng, hộ bị thiệt hại nhiều nhất lên đến trên 3 tỷ đồng.
Đại dịch tu hài đã khiến nhiều gia đình phải bán hoặc cầm cố nhà cửa, hiện nay nhiều hộ không còn khả năng tái sản xuất nên buộc phải bán lồng nuôi. Bên cạnh đó hiện tại đang trong thời gian khuyến cáo tạm dừng nuôi tu hài nên nhiều diện tích nuôi trồng giờ để hoang.
Người nuôi thủy sản Vân Đồn buộc phải bán phế liệu lồng nuôi.(Ảnh: Xuân Tùng/Vietnam+)
Ông Nguyễn Văn Tốt, Giám đốc công ty Cổ phần Vạn Hoa, một doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lâu năm của Vân Đồn cho biết Công ty hiện chỉ còn một số điểm nuôi thăm dò trở lại giống tu hài với số lượng nhỏ, còn lại hàng vạn lồng vẫn đang bỏ hoang dưới biển vì có đem bán phế liệu thì cũng không đủ trả tiền công nhân trục vớt.
Vậy mà, từng có thời kì tu hài trở thành “đầu câu chuyện” của người dân Vân Đồn và cũng đã xuất hiện không ít những “tỷ phú tu hài.” Nuôi tu hài đem lại hiệu quả kinh tế cao khiến người dân Vân Đồn ồ ạt đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thìn, hiện là Chủ tịch Hiệp hội sản xuất, nuôi trồng tu hài Vân Đồn cho biết chưa có con gì vào cuộc như tu hài, nhà nhà, người người nuôi trực tiếp và nuôi gián tiếp. Năm đầu thấy làm ăn được anh em họ hàng gửi tiền vào nuôi. Một lồng tu hài đầu tư khoảng 100.000 đồng, khi thu hoạch được 200.000 đến 300.000 đồng. Thành công dễ dàng ban đầu đã dẫn đến phong trào người người nuôi tu hài, nhà nhà nuôi tu hài.
Năm 2011, người dân Vân Đồn đầu tư nuôi lớn chưa từng có với số lượng con giống tu hài thả đạt đến 60 triệu con, tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Để có lượng con giống trên, người dân phải nhập giống từ rất nhiều vùng ở cả miền Bắc, Trung, Nam, thậm chí từ Trung Quốc. Cũng do tình trạng sản xuất ồ ạt, giá tu hài giảm mạnh và phát sinh dịch bệnh không kiểm soát được dẫn đến thiệt hại lớn.
Khi mà nuôi tu hài đang phát triển mạnh, có cả một dự án cấp tỉnh về xây dựng thương hiệu tu hài Vân Đồn, tuy nhiên hiện giờ ông Thìn cùng hiệp hội đang phải nỗ lực phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh vận động người dân tham gia các lớp tập huấn và cấp vốn cho một số hộ nuôi thăm dò tu hài nhằm giữ lại nghề.
Thế mạnh đứng trước thách thức lớn.
Vân Đồn là huyện đảo hội tụ nhiều thế mạnh để phát triển và chính quyền tỉnh Quảng Ninh cũng đang nỗ lực để đưa dự án Vân Đồn trở thành một đặc khu kinh tế năng động thành hiện thực trong tương lai. Nhưng hiện tại, một trong những thế mạnh gắn liền với cuộc sống của phần lớn người dân của huyện đảo này, ngành thủy sản Vân Đồn đang đứng trước những thách thức lớn.
Đại dịch tu hài đã khiến nhiều gia đình phải bán hoặc cầm cố nhà cửa, tiếp đó lại đến sự tàn phá của bão Haiyan. Với khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, người nuôi trồng thủy sản tại địa phương không biết bao giờ mới vực lại được. Theo thống kê của phòng Nông nghiệp huyện, hiện nay, diện tích nuôi trồng chỉ đạt khoảng 3.000ha, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và đang tiếp tục có xu hướng giảm.
Diện tích nuôi trồng thủy sản của Vân Đồn giảm mạnh.(Ảnh: Xuân Tùng/Vietnam+)
Trong khi đó, đã 2 năm trôi qua từ khi có chính sách hỗ trợ dịch tu hài năm 2012 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, nhưng chưa một người nuôi trồng tu hài nào tại Vân Đồn nhận được hỗ trợ thiệt hại.
Ông Nguyễn Quang Ninh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vân Đồn cho biết việc triển khai hỗ trợ người nuôi trồng bị thiệt hại do dịch tu hài hiện vẫn trong tình trạng “đóng băng” do nhiều vướng mắc giữa cơ chế, chính sách với việc triển khai trên thực tế.
Lý giải về thực trạng này, ông Ninh cho biết theo quyết định số 2322 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, các hộ dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi tu hài bị thiệt hại trên 70% sẽ được hỗ trợ kinh phí với mức 200 đồng/con giống; và mức 100 đồng/con giống với các trường hợp thiệt hại từ 30 đến 70%.
Để có được sự hỗ trợ này, các hộ dân, doanh nghiệp nuôi tu hài phải xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính xác minh số lượng con giống bị thiệt hại…
Tuy nhiên, qua thống kê của huyện Vân Đồn, ngoài các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản lớn, hầu hết các hộ nuôi tu hài trên địa bàn huyện đều không đáp ứng được yêu cầu này, hầu hết người nuôi trồng khi mua con giống đều không có hóa đơn, chứng từ nên việc hỗ trợ cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó đến nay việc hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện./.