Người dân loay hoay tìm thị trường
Thời điểm này, Cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) lác đác tiểu thương và người dân giao dịch các mặt hàng thủy, hải sản. Khác với khoảng thời gian cách đây chừng một tháng, mặt hàng này đã có thể xuất khẩu trở lại.
Chị Phạm Thúy Hà, một trong những tiểu thương hiếm hoi xuất hiện ở Cảng Cái Rồng thu mua hải sản nhẩn nha đóng hộp, chuyển lên xe từng loài nhuyễn thể để ra chợ hải sản, đầu mối trong khu vực tỉnh Quảng Ninh bày bán. “Hiện giá các loại nhuyễn thể giảm mạnh, giá hàu chỉ còn khoảng 5.000-8.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm này các hộ nuôi trồng vẫn đang trong thời gian thu hoạch. Ngoài ra còn một sản phẩm khác là ngao 2 cùi cũng đang rớt giá thảm hại”, chị Hà nói.
Đối với các sản phẩm nuôi trồng, chủ yếu là nhuyễn thể hàu và ngao 2 cùi đang trong thời điểm thu hoạch, số lượng đã thu hoạch của huyện Vân Đồn tính đến nay đạt trên 20 nghìn tấn. Tuy nhiên, nhiều hộ dân không mặn mà thuê lao động thu hoạch, thậm chí “ngậm đắng, nuốt cay” ươm số lượng lớn nhuyễn thể đang trong kỳ thu hoạch dưới biển.
Không chỉ các sản phẩm nuôi trồng bị ảnh hưởng, theo quan sát và ghi nhận, giá nhiều sản phẩm thủy hải sản săn bắt cũng đang có xu hướng giảm mạnh so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Hoạt động thương mại nhuyễn thể ở Cảng Cái Rồng tạm chững do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh: Anh Thắng.
Nguyên nhân là do các mặt hàng thủy hải sản chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ít tiêu thụ tại nội địa. Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát trở lại đã làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu. Thời gian ngắn trước đây, tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát, một số thương lái đã bắt đầu rục rịch, lên đơn để vận chuyển hàng xuất khẩu trở lại, tuy nhiên số lượng không đáng kể.
“Cách đây một tuần, chúng tôi cũng đã xuất khẩu được một ít hàu và ngao 2 cùi, tuy nhiên các hộ kinh doanh cùng nhau chia sẻ một phần, mỗi nhà gửi một ít hàng xuất khẩu nên chẳng đáng là bao. 2 mặt hàng chịu thiệt hại nặng nhất, trung bình mỗi sản phẩm đều giảm nửa giá so với mọi năm. Nhưng cá nhân tôi thấy, giá bán hàu còn có thể vớt vát được vì năm nay được mùa, còn ngao hai cùi thì phân theo loại, loại bé nhất được người dân chúng tôi gọi là ngao kẹo không thể bán do kích thước nhỏ, tiêu thụ nội địa không được ưa chuộng”, anh Phạm Văn Trường, người nuôi trồng nhuyễn thể ở huyện Vân Đồn chia sẻ.
Thực tế, các hộ nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn đang có xu hướng nuôi trồng ồ ạt, lựa chọn sản phẩm phục vụ xuất khẩu, được giá. Đã đến lúc người dân và ngành nông nghiệp địa phương cần có hoạch định sản lượng, giới hạn số lượng nuôi trồng một loại thủy sản để tránh rớt giá, ảnh hưởng đến nguồn vốn xoay vòng sản xuất mùa vụ tiếp theo.
Thiếu ổn định về giá gây thiệt hại lớn
Giá của các mặt hàng thủy, hải sản vẫn đang có diễn biến bất thường, thiếu ổn định. Nếu như thương lái trực tiếp mua của người dân khá là “bèo bọt” thì định giá sau khi đưa vào chợ đầu mối hoàn toàn khác, không có nhiều biến động. Con số về giá cũng được thay đổi tại mỗi địa phương.
Đơn cử, tại Cảng Cái Rồng, bình quân 1kg hàu từ 6.000-8.000 đồng; ngao 2 cùi 38.000-40.0000 đồng, sau khi được đưa đến chợ Hạ Long I (TP Hạ Long – Quảng Ninh) lập tức được thay đổi, con số này lần lượt là 15-28.000 đồng/kg và 52.000-55.000 đồng/kg. Đáng nói, hệ thống các chợ buôn bán đầu mối không cách quá xa khu vực chăn nuôi thủy sản của người dân.
Trong chuỗi cung cấp thủy sản, người dân là đối tượng trực tiếp chịu áp lực về giá sản phẩm thiếu ổn định. Trong khi đó, với diện tích khoảng 20 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, 4,5 nghìn ha bãi triều cho thu hoạch 68 nghìn tấn nhuyễn thể mỗi năm, Quảng Ninh hoàn toàn có thể tạo thành chuỗi liên kết giữa nuôi trồng, tiêu thụ nông sản sạch, phát triển các cơ sở chế biến, đóng gói hải sản để tránh yếu tố mùa vụ và giảm rủi ro khi gặp dịch bệnh.
Thực tế cho thấy, chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản tại Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, có thể nhận ra rõ nhất kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay. Đầu ra của sản phẩm phần lớn do người dân tự tìm, bị động chờ thương lái đến tận nơi thu mua. Không ít người rơi vào tình trạng ép giá, lỗ vốn hoặc phá sản.
Câu chuyện thiếu ổn định về giá ít nhiều gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, thu hoạch của người dân. Ảnh: Anh Thắng.
Xét trên khía cạnh xuất nhập khẩu, Quảng Ninh có 9 doanh nghiệp chế biến thủy sản đã có mã xuất khẩu vào Trung Quốc, 2 doanh nghiệp có mã xuất khẩu vào thị trường châu Âu, một số doanh nghiệp có mã xuất khẩu vào Nhật Bản. Để thúc đẩy hoàn thiện thủ tục, đáp ứng yêu cầu của các thị trường châu Âu và trong khu vực đối với số lượng lớn sản lượng thủy, hải sản cần rất nhiều thời gian
Tạo thói quen tiêu dùng mới, như sử dụng các sản phẩm đóng gói tại địa bàn phong phú hải sản tươi sống như Quảng Ninh không phải là câu chuyện dễ dàng. Nhưng việc nâng cao năng lực chuỗi liên kết nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch là việc làm cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo vùng sản xuất chuyên canh chuyên nghiệp, bài bản.
Hơn nữa, thay vì trông chờ việc sẽ có tiểu thương đến thu mua với số lượng lớn, các hộ nuôi trồng cần chủ động tìm các đầu ra, các kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại các chợ truyền thống lớn trong tỉnh.
Cách đây không lâu, một số trang tin tức trên mạng xã hội chia sẻ hoạt cảnh một người dân tại huyện Vân Đồn đổ bỏ số ngao thương phẩm không tiêu thụ được ra biển, ít nhiều gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Tuy nhiên, đại đa số ngư dân, thương lái ở Cảng Cái Rồng cho biết, đây thực chất là hành động cực đoan, không đem được lại lợi ích mà càng trở nên căng thẳng quá trình sản xuất hiện tại.