Tỉnh Ninh Bình đã và đang tiến hành dự án xây dựng đê Bình Minh 4 dài 17km, như một bức tường "khổng lồ" chắn sóng, gió bão cấp 12, giúp lấn thêm hàng trăm ha về phía biển để phát triển kinh tế. Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Đây được xem là dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Bình, quai đê lấn thêm hàng trăm ha đất về phía biển, mở rộng vùng bãi nuôi trồng thủy sản, bảo vệ khu vực đê Bình Minh 3 (đã xây dựng trước đó).
Dự án đê Bình Minh 4 khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi phục vụ công tác giãn dân, phát triển kinh tế, xã hội, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; chống lụt, bão và cứu hộ đê điều khi có sự cố.
Đại diện Ban quản lý và đầu tư dự án nông nghiệp (Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình) cho biết, sau khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý đã lựa chọn những nhà thầu có kinh nghiệm, năng lực, được Bộ NN&PTNT phê duyệt. "Công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp được tiến hành công khai, minh bạch, nhà thầu được lựa chọn có kinh nghiệm thi công lâu năm trong lĩnh vực tương tự, đảm bảo chất lượng về kỹ thuật, mỹ thuật, tiến độ" - đại diện chủ đầu tư cho hay.
Dự án việc xây dựng đê biển tránh sóng là vô cùng cần thiết ở các tỉnh ven biển nhằm phát triển kinh tế và hạn chế ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu. Ảnh: DT
Dự án tuyến đê Bình Minh 4 được triển khai xây dựng bắt đầu từ cửa sông Đáy đến đường ra Trạm Kiểm soát biên phòng Cồn Nổi có chiều dài hơn 17km. Đê được thiết kế gồm: tường chắn sóng phía biển có cao trình đỉnh +5,50m tương ứng chắn gió bão cấp 12, kết cấu bằng bê tông cốt thép. Phần mặt đê kết hợp đường giao thông được gia cố bằng các lớp: đất đầm nện, cấp phối đá dăm, cát đệm, bê tông.
Trên tuyến đê Bình Minh 4 xây dựng 7 cống trên đê đấu trục thẳng với các cống trên đê Bình Minh 3 và 24 cống trên đường thi công, đáp ứng việc nuôi, trồng thủy sản của nhân dân trong vùng.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư luôn có cán bộ giám sát theo dõi các gói thầu, kiểm tra chất lượng thi công – theo Đại diện Ban quản lý và đầu tư dự án nông nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại công trình đã hoàn thành được khoảng 60% trên tổng khối lượng của dự án. Do là dự án đê lấn biển nên trong quá trình thi công bị ảnh hưởng bởi sóng biển và nước thủy triều, đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án trong năm 2022.
Nhìn chung, dự án việc xây dựng đê biển tránh sóng là vô cùng cần thiết ở các tỉnh ven biển nhằm phát triển kinh tế và hạn chế ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.