Phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul hôm 17-12 cho hay Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã chỉ đạo ông phụ trách việc dẹp bỏ vấn nạn này.
Quyết tâm của chính phủ Thái được đưa ra sau khi hãng tin AP có bài điều tra về tình trạng sử dụng lao động như nô lệ tại một khu công nghiệp ở tỉnh Samut Sakhon.
Theo đó, như Bangkok Post cho biết, chính quyền sở tại đang có những biện pháp tăng cường xử lý những ai dính líu đến cưỡng bức lao động và buôn người để lấy lại hình ảnh và lòng tin ở Thái Lan.
Ông Srivara cũng cho hay ông đã yêu cầu các quan chức ngành công nghiệp ở tỉnh này nghiêm ngặt hơn trong việc cấp phép cho các nhà máy và áp dụng các tiêu chuẩn đối với điều kiện làm việc tại nhà máy.
Trước đó, ông Prayuth đã tuyên bố sẽ trừng phạt các quan chức nào không dẹp bỏ được nạn cưỡng bức lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản.
Bài điều tra của AP đăng tải hồi đầu tuần này kể lại câu chuyện của những công nhân nhập cư người Myanmar tại một nhà máy ở Samut Sakhon.
Trong nhà máy này có khoảng 80 người và họ phải làm việc trong điều kiện như nô lệ.
Một trong số này là Tin Nyo Win, năm nay 22 tuổi, đã làm việc trong nhà máy này được 5 tháng cùng người vợ đang mang thai là Mi San.
Theo lời những người này, họ bị lừa từ Myanmar qua Thái làm việc mà không có visa hay giấy phép làm việc.
Họ bị ép phải lột gần 80kg tôm một ngày với giá chỉ 144 baht/ngày (90.000 đồng).
Bài điều tra của AP còn nói các lao động tại nhà máy này bị đánh thức lúc 2 giờ sáng và làm liên tục 16 tiếng sau đó.
Công nhân ở đây bao gồm cả trẻ em, bị chửi mắng, bị hành hung và bị ép làm việc ngay cả khi họ bị bệnh.
Cặp vợ chồng Myanmar này đã tìm cách trốn thoát được và vụ việc bị vỡ lở.
Tôm được chế biến trong nhà máy này được xuất sang các thị trường ở Mỹ, châu Âu và các nước châu Á khác.
Hôm 17-12, cảnh sát cũng đã tiến hành kiểm tra nhà máy chế biến tôm kể trên nhưng phát hiện ra nơi này đã đóng cửa.