Hình phạt phân thây
2 hàm răng của Myint Thein không có gì ngoài những mảnh vụn lởm chởm. “Đó là sự nhắc nhở đau đớn về những ngày tháng bị bán và đánh đập trên một thuyền cá Thái Lan” - Myint Thein nói. Ngư dân Myanmar 29 tuổi này còn mang một số “dấu ấn” khác về cuộc sống trên biển: 2 vết cắt sâu trên mỗi cánh tay, những ngón tay chai sạn méo mó như móng vuốt và các cơ mặt co giật. Trong suốt 2 năm, Myint Thein bị ép làm việc 20 giờ mỗi ngày như một nô lệ trên biển, bị trưởng tàu đánh đập thường xuyên trong khi được ăn chưa tới 1 đĩa cơm mỗi ngày. Trong một lần thuyền cập bến, anh đã phát hiện một cơ hội hiếm có để bỏ trốn.
Myint Thein cho biết trước đó 2 năm, anh đã trả tiền cho người trung gian để được đưa lậu qua biên giới vào Thái Lan làm công nhân. Sau một cuộc hành trình gian khổ qua những khu rừng rậm rạp, trên những con đường gập ghềnh và vượt sóng, cuối cùng Myint Thein đến Kantang, một bến cảng trên bờ biển Andaman phía Tây Thái Lan và anh bị bán cho một chủ tàu. “Khi nhận ra những gì đang xảy ra, tôi khẩn nài họ cho quay lại, nhưng họ không cho. Khi tôi cố gắng chạy thoát, họ đánh tôi và đập vỡ hết răng tôi” - Myint Thein kể. Cuộc sống trên tàu đầy bạo lực và không thể đoán trước. Các công nhân chỉ được cho ăn 1 đĩa cơm mỗi ngày. Họ phải ngủ ở những chỗ rất chật chội và có thể bị gọi dậy đánh cá bất kỳ lúc nào. Những người quá yếu không làm việc được sẽ bị ném xuống biển. Có nhiều nô lệ phải sống trên những chiếc tàu cá hàng năm trời, bị bán từ tàu này sang tàu khác. Trong 15 nô lệ được Guardian phỏng vấn, 10 người đã chứng kiến ít nhất một đồng nghiệp bị chủ tàu giết. Ei Ei Lwin kể: “Tôi đã nhìn thấy 18-20 người chết trước mặt mình. Một số bị bắn, người khác bị buộc vào đá và ném xuống biển. Thậm chí có người bị cột tay chân vào 4 con tàu rồi họ kéo toạc người anh ta ra”.
Cảnh sát là đối tác
Mặc dù công khai hứa hẹn sẽ làm sạch ngành công nghiệp này, nhiều quan chức Thái Lan từ cảnh sát địa phương cho đến các chính trị gia cấp cao và các thành viên của ngành tư pháp không chỉ nhắm mắt làm ngơ trước lạm dụng lao động nô lệ, mà thường còn đồng lõa. “Một lần tôi bị cảnh sát chặn lại kiểm tra giấy phép lao động. Họ đòi 10.000 baht tiền hối lộ sẽ thả tôi ra. Tôi không có tiền và cũng không có ai bảo lãnh, nên họ đưa tôi đến một khu vực hẻo lánh, giao tôi cho một tên buôn người và sau đó tôi phải làm nô lệ lao động trên một tàu cá” - Ei Ei Lwin kể.
Một nhà môi giới cấp cao trong hệ thống này cho Guardian biết các chủ tàu gọi điện thoại cho ông để đặt hàng, nội dung gồm số người và số tiền. “Mỗi người có giá khoảng 25.000-35.000 baht. Các chủ tàu ứng tiền mua và sau đó người lao động phải làm việc để trả nợ” - người môi giới nói. Người này cho biết đã bán hàng ngàn người di cư vào Thái Lan trong 5 năm qua. Khi đưa người đi, họ phải qua nhiều trạm kiểm soát của cảnh sát và đều phải đưa hối lộ để đi qua. “Theo quan điểm của tôi, cảnh sát và các nhà môi giới đều là đối tác kinh doanh. Chúng tôi có cảnh sát làm việc ở cả 2 bên biên giới Thái Lan-Myanmar. Nếu có đủ tiền hối lộ, chúng tôi sẽ thoải mái chở người vượt biên vào Thái Lan”.
Giá các chủ tàu bỏ ra để mua lại những nô lệ lao động cực kỳ thấp. Có nghĩa họ không được coi là khoản đầu tư quan trọng, mà bị xem như “hàng dùng một lần”. Với những người di cư kỳ vọng Thái Lan sẽ mang lại cơ hội, thực tế hoàn toàn ngược lại. “Họ hứa hẹn sẽ cho tôi làm việc trong một nhà máy dứa. Nhưng khi tôi nhìn thấy những chiếc thuyền, tôi nhận ra mình đã bị đem bán... Tôi đã rất chán nản và muốn tự tử” - Kyaw, một thanh niên Myanmar, nhớ lại.
Đối mặt các chính trị gia
Những tàu cá đánh bắt cá và động vật có vỏ cung cấp cho thị trường trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 350.000 tấn cá tạp mỗi năm, theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO). Cá tạp được lựa ra ở ngay trên biển và được tàu vận tải chở vào bờ, nơi chúng được xạy thành bột cá cho các công ty đa quốc gia như đại gia ngành thực phẩm CP để làm thức ăn nuôi tôm, lợn và gà. Sau đó, CP lại cung cấp cho các nhà bán lẻ và siêu thị toàn thế giới.
Guardian đã theo dấu 2 tàu chở cá tạp được đánh bắt bởi các tàu nô lệ và phát hiện chúng được bán cho 2 nhà máy cung cấp bột cá cho CP. CP từng tuyên bố rằng họ sẽ dùng sức mạnh thương mại để gây ảnh hưởng buộc chính phủ Thái Lan hành động để thay đổi ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản. Nếu không có thay đổi, họ có kế hoạch sử dụng protein thay thế cho bột cá vào năm 2021. CP cũng biết tình trạng nô lệ lao động trên các tàu cá cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy bột cá, nên đã yêu cầu 38 nhà máy cung cấp bột cá phải đảm bảo chỉ mua cá tạp từ các tàu hợp pháp. Tuy nhiên, Guardian phát hiện các chủ tàu thường không ghi lại dữ liệu cá tạp. Nhiều người trong số họ cũng biết có nô lệ lao động trên các tàu cá nhưng không bao giờ báo cáo với cơ quan chức năng.
Chính phủ Thái Lan cũng thừa nhận một kế hoạch mới về đăng ký thuyền hợp pháp đang bị cản trở bởi tham nhũng và thiếu ý chí chính trị. Cảnh sát biển ở Songkhla nói với Guardian rằng một số chủ tàu cá không tuân thủ khi được yêu cầu phải đăng ký lao động nước ngoài trên tàu họ. Một quan chức đặc trách cho biết: “Vấn đề lớn nhất chúng ta phải đối mặt là các chính trị gia trong lĩnh vực này. Họ sở hữu những chiếc tàu cá và không muốn điều chỉnh. Họ có luật lệ riêng, quy định riêng, đó là cách họ nhìn vấn đề. Họ quyền uy hơn chúng tôi, do đó chúng tôi rất khó thực thi pháp luật”. Luật pháp Thái Lan cũng cản trở các cơ quan chức năng kiềm chế buôn người. Thí dụ, cảnh sát biển Hoàng gia Thái Lan không được phép tuần tra hơn 12 dặm tính từ bờ.
Việc sử dụng lao động nô lệ là có hệ thống trong ngành công nghiệp đánh cá Thái Lan. Nếu không có hệ thống này, ngành công nghiệp cá Thái Lan sẽ gặp khó khăn.
Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận châu Á của Human Rights Watch
(Còn tiếp)