Vốn là vùng trũng bên dòng sông Hóa, làng Hội Am (xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) có nghề truyền thống hơn 45 năm là nuôi, ươm cá giống. Trong đó, nghề nuôi cá chép đỏ để làm "phương tiện" tiễn ông Công, ông Táo về trời phục vụ cho thị trường vốn đã nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động chiều 4.1, nhiều hộ dân tại khu vực đầm nuôi cá giống làng Hội Am đang thấp thỏm lo lắng, túc trực tại đầm cả ngày để nắm bắt tình hình, kiểm soát lượng cá ngoi lên mỗi lần cho ăn.
Rắc những âu cám xuống ao cho cá ăn, ông Nguyễn Văn Lượng - người có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi cá giống ở làng Hội Am - trăn trở: "Đây là thời điểm rất quan trọng đối với chúng tôi, bởi mùa này, cá hay bị các bệnh, nhất là nấm mà chết. Những ngày trời lạnh, thời tiết mưa rét, cá ngoi lên ít, mỗi lần cho ăn, tôi đều phải chú ý kiểm soát lượng cá (tang cá) để cho số lượng đồ ăn phù hợp. Nhiều hôm, tôi không dám về nhà mà ngủ lại ao để tiện trông nom, xem lượng nước trong ao".
Theo ông Lượng, nuôi cá chép đỏ đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn các loại cá thông thường. Ngoài việc phải thường xuyên vệ sinh ao chuôm hết sức cẩn thận, trong quá trình chăm sóc, phải cho cá ăn thức ăn đảm bảo, không được cho cá ăn những loại cám kích thích không rõ nguồn gốc.
Ông Lượng cho cá chép đỏ ăn cám. Ảnh: laodong.vn
Chỉ cách khu đầm nhà ông Lượng 200m, gia đình chị Hoàng Thị Tốt - 41 tuổi, cũng không khỏi lo lắng bởi thời tiết lạnh, cá ít ngoi lên mặt nước. "Nhà tôi lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước, máy khuấy tạo ô-xy, để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô-xy trong nước cho cá" - chị Tốt nói.
Cũng theo chị Tốt, thông thường cá chép đỏ sẽ được vào giống cá (thả cá giống) từ khoảng tháng 6 - 7 (dương lịch) để kịp cho lứa cá dịp 23 tháng Chạp.
Bên cạnh đó, muốn có cá tốt, khâu đầu tiên là phải chọn được cá bố mẹ. Cá mẹ đầu phải mình thon, cân đối, vây đuôi vàng, không rách, vẩy phải đều, đặc biệt khi lộ dưới ánh nắng phải óng ánh.
Hàng ngày, cá chép đỏ sẽ được người nuôi cho ăn 2 bữa/ngày. Ảnh: laodong.vn
“Nhà tôi dành riêng 1 ao với diện tích 2 sào để thả 2 vạn cá chép đỏ, đến giờ có khoảng 5 tạ cá. Ít nữa, đến ngày cúng ông Công, ông Táo, tôi phải huy động thêm lao động để tập trung thu hoạch cá bán, giao cho thương lái. Năm nay, người nuôi bán với giá khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg cho thương lái tại đầm. Đến thời điểm này, sản lượng cá đạt hơn năm trước, mặc dù, thời tiết rét sâu và liên tục kéo dài, cũng bớt được phần nào nỗi lo của chúng tôi” - ông Lượng chia sẻ.
Ông Đào Xuân Luân - Chủ tịch UBND xã Cao Minh - cho biết, hiện nay, địa phương có khoảng hơn 300 hộ dân nuôi cá giống. Trước sự biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, để phát triển nghề nuôi cá giống hiệu quả, bền vững, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người nuôi cá làng Hội Am cần chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật để ứng phó, thích nghi, nhất là khi thời tiết mùa đông có nhiều thay đổi như năm nay.