Ảnh hưởng lan truyền của chiến sự Ukraine đã được cảm nhận rõ trên toàn thế giới. Từ việc làm rung chuyển thị trường năng lượng đến thúc đẩy cuộc khủng hoảng tị nạn gia tăng ở Châu Âu. Các chuyên gia cảnh báo, cuộc xung đột này có thể gây ra nhiều tác động lớn hơn, bao gồm cả việc châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lương thực cận kề. EU là đối tác thương mại chính của sản phẩm nông sản, thực phẩm, thủy sản với Nga và Ukraine. Cho nên giờ đây Liên minh Châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa về an ninh lương thực.
Người dân mua hàng hóa tại một khu chợ ngoài trời ở Rome, Italia, ngày 12/3/2021. (Ảnh: Reuters)
Cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến nền kinh tế và thị trường của châu Âu dịch chuyển với quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng trước đó như đại dịch Covid-19. Lạm phát ở Châu Âu đang lên mức cao kỷ lục và đe dọa làm suy yếu quá trình khôi phục sản xuất bắt đầu vào năm ngoái khi các nền kinh tế nỗ lực vực dậy sau đại dịch Covid-19. Dự báo giá lương thực ở Châu Âu sẽ tăng lên mức chưa từng có, đây là cơ hội để DN cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững lại.
Hơn nữa, việc nhiều quốc gia EU và Mỹ đang “trừng phạt” cá minh thái của Nga - vốn là sản phẩm cạnh tranh mạnh với cá tra cũng khiến cho nguồn cung cá thịt trắng của khu vực này bị giảm đáng kể. Đây là cơ hội tốt để các DN cá tra Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu cá tra đông lạnh sang EU.
Cho tới nay, Hà Lan vẫn là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của DN Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm cá tra đa dạng sang thị trường này, trong đó có sản phẩm GTGT như: Cá tra tẩm bột chiên đông lạnh, cá tra cắt khúc đông lạnh; cá tra fillet cắt miếng (Cubes) đông lạnh, cá tra phile cuộn đông lạnh; cá tra phile cắt nugget đông lạnh, cá tra phi lê cuộn hoa hồng đông lạnh, cá tra tẩm bột hương bia chiên đông lạnh, philê cá tra organic đông lạnh.
Hiện nay, ngoài Hà Lan, DN cá tra đang xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Đức, Tây Ban Nha, Bỉ… với chiều hướng khả quan và tích cực.