Vì sản lượng tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh, quảng canh cải tiến lớn nên khi thu hoạch, người nuôi tôm thường thoả thuận giá, kích cỡ trước với thương lái và thương lái cũng chịu trách nhiệm kéo tôm lên từ đầm để thu mua. Cách đánh giá kích cỡ tôm nuôi thường được thoả thuận như sau: người bán có thể chọn tôm mẫu đánh giá kích cỡ ở lưới kéo thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba để thương lái cân, đếm con, sau đó dựa trên mẫu mà tính giá theo sản lượng cho cả đầm.
Điều đáng nói là khi kéo tôm đánh kích cỡ, người của thương lái luôn có mánh lới cho tôm nhỏ vào lưới để thu lợi bất chính. Thường họ cho hạ nguồn điện bình ắc-quy được gắn sẵn trong tấm lưới kéo, khi đó chỉ tôm nhỏ, sức yếu mới mắc kẹt lại trong lưới nên khi mang lên làm mẫu, bao giờ người bán cũng bị thiệt thòi. Cách này thường làm tăng đầu con tôm mẫu lên ít nhất 3-4 con, thậm chí 6-7 con tuỳ theo sự hiểu biết và phản ứng của người bán. Và theo đó, mỗi ký tôm, người bán mất đi 5.000-7.000 đồng. Khi chiêu trò này thực hiện thành công, người nuôi tôm mất cả chục triệu đồng/tấn tôm.
Đối với sò huyết, khi bà con thu hoạch bán cho thương lái cũng bị gian thương giở trò. Thông thường, để đánh giá trọng lượng sò huyết thương phẩm, thương lái chọn ngẫu nhiên 1 kg để đếm đầu con; người bán cũng chọn ngẫu nhiên 1 kg để đếm. Sau khi đếm xong, số lượng trên được cộng đều chia đôi tính bình quân đầu con/kg. Hình thức đánh giá trọng lượng sò huyết thương phẩm như thế được xem khá công bằng, tuy vậy, với cặp mắt nhà nghề, nông dân vẫn bị thua đầu con so với thương lái, bởi họ biết chọn nơi có nhiều sò nhỏ.
Ngoài 2 đối tượng trên, cua thương phẩm cũng được xem là đối tượng hết sức phức tạp trong việc định giá khi bán cho thương lái, nhất là đối với sản phẩm cua gạch. Bởi hiện nay, phương pháp định giá cua gạch thông qua nhận dạng, vì vậy, thương lái sẽ dùng mánh lới trong việc nhận xét các mức độ gạch để đưa ra giá thấp nhằm thu lợi nhuận cao. Vì thế, cùng một sản phẩm nhưng thương lái mỗi nơi thu mua mỗi giá. Bên cạnh đó, thương lái còn dùng chiêu trò như chê màu sắc không đẹp, cua bị khờ không thể vận chuyển đi xa... để ép giá nông dân.