Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cho biết lý do để có kiến nghị này là trong công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất là 11% cho các hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu.
“Trong công văn này không đề cập đến người nuôi tôm. Vì thế, chúng tôi mới mời hội nghề cá các tỉnh, người nuôi tôm để cùng có một kiến nghị với Chính phủ đưa đưa người nuôi tôm vào diện được hưởng chính sách trên”, ông Nhiệm nói.
Theo ông Nhiệm, cứ một héc ta nuôi tôm bị chết do dịch bệnh người nuôi thiệt hại khoảng 100 triệu đồng cho tiền giống, thức ăn và công lao động. Vì thế, năm nay đã có nhiều hộ dân bỏ ao vì không có vốn để nuôi trở lại nên cần Chính phủ có chính sách hỗ trợ để tiếp tục thả nuôi.
Theo hiệp hội này, trong năm 2011, người nuôi tôm ở Sóc Trăng cũng như các tỉnh ĐBSCL có tỷ lệ tôm chết sau 45 ngày lên đến 90%. Còn khoảng thời gian quí 1-2012, ghi nhận của hiệp hội về tỷ lệ tôm chết ở các hội viên là trong 10 ao mới thả nuôi đã có 5 ao nuôi bị nhiễm bệnh đốm trắng, 4 ao nuôi có tôm nhiễm bệnh gan tụy và đốm trắng.
MTSA được thành lập vào 3-2005, hiện có 150 thành viên với diện tích nuôi tôm là 22.500 héc ta, chiếm 47% tổng diện tích nuôi tôm của toàn tỉnh Sóc Trăng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong hai năm qua, ở ĐBSCL dịch bệnh trên con tôm bùng phát mạnh khiến diện tích nuôi tôm ở nhiều tỉnh thành có tỷ lệ chết trên 70% đối với tôm dưới 45 ngày tuổi.
Hiện tại, Bộ NN&PTNT cho biết, bệnh gan tụy trên tôm không chỉ bùng phát ở ĐBSCL mà đã lan rộng ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc.