Anh Nguyễn Văn Bừa ngụ ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh, TX.Hồng Ngự cho biết: “Nhiều năm nay, mùa lũ về tôi thường đầu tư nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, mấy năm nay lũ thấp liên tục nên mô hình nuôi tôm càng xanh đã không còn hiệu quả. Tôi nghiên cứu nhiều mô hình để chuyển đổi nhưng hầu hết các mô hình nuôi thủy sản hiện nay đều khó khăn trong việc tìm đầu ra, riêng con lươn thì đầu ra rất khả quan. Hiện tại, tôi đã chuyển sang nuôi lươn, hi vọng mô hình này giúp gia đình phát triển, kinh tế ổn định trong thời gian tới”.
So với những mô hình chăn nuôi khác thì thời điểm hiện nay mô hình nuôi lươn đang phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Một phần do mô hình này không tốn nhiều chi phí đầu tư, phù hợp với nhiều nông hộ có thu nhập thấp và không có nhiều diện tích chăn nuôi nên được nhiều hộ nông dân ở địa phương áp dụng. Với những tín hiệu bước đầu, mô hình nuôi lươn được nhiều nông dân cho là hiệu quả, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Anh Trần Văn Cường ngụ xã An Bình A chia sẻ: “Hiện cả mô hình nuôi lươn sinh sản và nuôi lươn thương phẩm đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do nhu cầu lươn giống cao nên gia đình tôi chỉ tập trung sản xuất lươn giống để cung cấp cho thị trường. Ước tính đợt thu hoạch lươn giống này tôi có thể cung cấp cho thị trường khoảng 10 ngàn con giống, sau khi trừ chi phí có thể lãi khoảng 30 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận không hề nhỏ đối với gia đình tôi”.
Trạm Thủy sản TX.Hồng Ngự khuyến cáo, để phát triển mô hình nuôi lươn hiệu quả, nông dân cần lưu ý đảm bảo công tác vệ sinh ao nuôi, phải thay nước thường xuyên ao nuôi để lươn sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với khâu chọn giống sinh sản, nông dân cần chọn những con lươn bố mẹ khoảng 200gram, không chọn giống bố mẹ quá to hoặc quá nhỏ. Mặc dù không tốn nhiều công chăm sóc nhưng nuôi lươn cần thời gian dài (trung bình từ 10 - 12 tháng) mới có thể thu hoạch. Do đó, nông dân cần theo sát tình hình phát triển con lươn, cần kiên trì thì mô hình này mới mang lại hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Huấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế TX.Hồng Ngự cho biết, mô hình nuôi lươn thương phẩm phát triển cách đây nhiều năm ở TX.Hồng Ngự. Ban đầu, người dân tự khai thác nguồn lươn giống ngoài tự nhiên để nuôi, hiệu quả kinh tế khá cao. Khi qui mô phát triển hơn, nguồn lươn giống ngoài tự nhiên không đủ. Nhằm góp phần giúp người dân chủ động hơn trong sản xuất, địa phương đã chọn con lươn là một trong những vật nuôi ưu tiên thực hiện trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của thị xã. Qua đây, TX.Hồng Ngự tạo mọi điều kiện cho nông dân được tập huấn về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản cũng như nuôi lươn thương phẩm, tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm nuôi lươn ở nhiều nơi. Bên cạnh đó, khoảng năm 2013, thị xã cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn nhằm giúp nông dân có điều kiện làm quen với mô hình mới. Sau hơn 3 năm triển khai, số hộ nuôi lươn sinh sản và nuôi lươn thương phẩm của địa phương không ngừng phát triển. Sắp tới, khi qui mô chăn nuôi phát triển ổn định, thị xã sẽ sắp xếp, vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác và hợp tác xã nằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc liên kết tiêu thụ.