Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, hiện nhiều nông dân ở các huyện khu vực ĐTM, như: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng… đang kêu bán ao do mất khả năng duy trì sản xuất sau thời gian thua lỗ từ việc ương cá tra giống.
Đồng quê bấn loạn…
Xã Thạnh An (huyện Thạnh Hóa) - một vùng quê yên bình giữa ĐTM chỉ chuyên canh cây lúa. Nhưng sau 2 năm gần đây hút theo con cá tra giống, 50ha diện tích lúa nơi đây đã thành ao nuôi.
Giờ về xã, lại nghe loáng thoáng bà con nông dân ương cá tra giống kêu bán ao. Anh Nguyễn Đức Tiến - một nhân viên chuyên xử lý nước ao thuê khu vực ĐTM cho biết, xã này hiện đang có vài nông dân ương cá kêu bán ao hoặc lấp ao quay lại trồng lúa.
Ông Trần Văn Nguyện (ấp 3), sau khi xin nghỉ chức trưởng ấp, về nhà đào 3 ao ương cá trên đất lúa với diện tích gần 2ha. Vụ cá giống đầu tiên ông thua đứt vốn, hiện ông đang thả ương vụ cá tra giống thứ hai.
“Cá tra giống dưới ao giờ cỡ 70 - 80con/kg rồi, nhưng giá thấp quá tui chưa bán. Để tiết kiệm thức ăn và chờ giá, giờ cứ cách ngày tui cho cá ăn một lần”, ông Nguyện bộc bạch.
Theo ông Nguyện, hiện giá cá tra giống chỉ còn 20.000 đồng/kg (loại 30-35 con/kg). Trong khi đó, mỗi ngày ông phải đổ xuống ao 4 triệu đồng tiền thức ăn.
“Nếu tình hình giá cá tra giống sắp tới không sáng sủa, tui sẽ cho lấp lại ao rồi trồng mít Thái”, ông Nguyện nói.
Cũng theo ông Nguyện, thời gian trước trong xã đã có nông dân lấp lại 3ha ao cá để trồng lúa lại.
Hiện, để đào 1ha đất lúa lên ao để ương cá, nông dân mất khoảng 60 triệu đồng. Nếu thuê Kobe lấp ao lại, nông dân phải trả số tiền cao hơn lúc đào. Đấy là những ao ương cá giống loại cạn (80cm) có thể lấp lại, nhưng với những ao nuôi với độ sâu 3-4m thì rất nan giải.
Ông Phạm Văn Mây (xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh), sau 2 lần thả nuôi cá tra với diện tích ao 1,2ha đã lỗ gần 300 triệu đồng. Giờ ông đang thuê Kobe lấp lại ½ diện tích ao để trồng lúa.
“Giờ không biết diện tích này có làm lúa được không vì trước đây thuê máy đào rất sâu nên có khả năng dậy phèn”, ông Mây nói rầu rầu.
Cứ cách ngày ông Nguyện mới cho cá tra giống ăn để giảm chi phí thức ăn cho cá trước tình hình giá cá xuống rất thấp.
Hiện nay, tại ĐTM nhiều nông dân nuôi, ương cá tra không những mất khả năng tài chính thuê Kobe lấp ao, mà họ buộc phải bán ao để trả nợ ngân hàng, nợ thức ăn cá…
Vào thời điểm này, theo tính toán của cơ quan chức năng, với 1ha nuôi cá tra bột, nông dân bị lỗ khoảng 300 triệu đồng.
Anh Tiến cho biết, giờ đi khắp ĐTM của các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, tại những khu vực đang ương, nuôi cá tra, đâu đâu cũng thấy có nông dân kêu bán hoặc thuê ao ương, nuôi cá tra.
Tìm lối đi bền vững
Theo thống kê, hiện tỉnh Long An có khoảng 4.000ha ao ương giống, nuôi cá tra tập trung tại khu vực ĐTM.
Ngoài chuyện giá cả thị trường trồi sụt, theo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, việc phát triển “nóng”, không theo quy hoạch đã dẫn đến tình trạng xảy ra dịch bệnh trên cá tra khiến nhiều nông dân ương cá thua lỗ nặng.
Gần đây, một cuộc khảo sát của ngành nông nghiệp huyện Tân Thạnh cho thấy, trong số hơn 700 hộ nuôi cá tra giống với diện tích 1.292ha trên địa bàn,có khoảng 30% hộ nuôi có lời, 30% hộ nuôi huề vốn, 40% hộ bị lỗ.
Hiện huyện là địa phương phát triển “nóng” nhất nghề ương cá tra giống thời gian qua, và cũng thua lỗ nhiều nhất. Toàn huyện hiện có trên 1.200 ha. Hệ quả của sự phát triển “nóng” đã làm cho 80% hộ dân theo nghề thua lỗ nặng.
Tương tự, huyện Tân Hưng sau hơn hai năm phát triển “nóng” cũng có 1.037 hộ dân đã chuyển đổi hơn 1.800 ha đất lúa sang đào ao ương cá tra giống. Tính đến tháng tư năm 2019, toàn huyện có hơn 700 hộ thua lỗ.
Theo Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản ĐBSCL, 75% hộ ương cá tra giống thất bại.
Theo tính toán, nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần khoảng 600ha là đủ cung cấp. Nhưng hiện chỉ riêng tỉnh Long An đã có khoảng 4.000ha (tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường).
Trong một cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An vừa qua, ông Mai Văn Nhiều - Chánh văn phòng UBND tỉnh Long An cho biết, nếu nông dân ương cá tra giống thua lỗ có thể lấp ao trở lại trồng lúa.
Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, dự kiến cuối tháng 5, tỉnh Long An sẽ tổ chức hội nghị tìm giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững cho vùng ĐTM.
“Hy vọng vùng ĐTM sẽ có bước phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững hơn. Bà con nông dân thành công hơn với nghề nuôi trồng thủy sản”, bà Khanh thổ lộ.