Những mô hình thành công
Dịch bệnh trên tôm luôn là nỗi lo sợ của người dân các vùng nuôi tôm nước lợ ven biển, nhưng việc ứng dụng công nghệ cao đã giải quyết vấn đề này.
Kỹ sư Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn, cho biết đã thành công khi áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ).
Giai đoạn 1: Vệ sinh hệ thống nuôi, lọc nước và xử lý nước; nuôi cấy vi sinh tạo floc và ương tôm trước khi thả nuôi.
Giai đoạn 2: Từ 30 đến 60 ngày tuổi, tôm được đưa vào ao nuôi, lót bạt đáy trong nhà lưới (mùa nắng) và che bạt kín (mùa mưa); giữa 2 ao nuôi có hồ chứa bùn, chất thải trong ao được đưa ra hàng ngày; áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín (nước ao nuôi, bể tuần hoàn sục khí micro buble, ao lắng, ao sẵn sàng, ao nuôi). Với việc sử dụng thiết bị công nghệ cao - máy tạo bọt khí micro nano oxygen, hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi được đảm bảo đúng chuẩn.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công. Nếu lượng ôxy thấp sẽ làm sức ăn của tôm giảm, thức ăn dư thừa khiến vi khuẩn phát triển, gây hại tôm.
Ưu điểm của máy tạo bọt khí micro nano oxygen là cung cấp khí ôxy cực nhanh, khử phèn và hóa chất độc hại trong ao, ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, ổn định mật độ tảo khuê và tảo lục, giúp phát triển vi sinh có lợi, giảm chỉ số PCR (hệ số chuyển đổi thức ăn).
Hộp data box là hệ thống quan trắc tự động, giám sát chỉ tiêu nước chặt chẽ để sớm xử lý các vấn đề phát sinh. Ưu điểm của thiết bị là tự động hóa toàn bộ quá trình giám sát, giúp điều khiển thiết bị chỉnh chất lượng nước như quạt bờ, bơm khí, thiết bị cấp hóa chất, thiết bị gia nhiệt.
Nhờ áp dụng công nghệ cao, liên tục 5 vụ tôm từ năm 2016 đến nay đều cho kết quả khả quan, khoảng 50 tấn/ha/vụ, kích cỡ 30 - 40 con/kg.
Lợi nhuận gần như 1 lời 1. Các nhà nhập khẩu và đối tác nước ngoài thường xuyên đến lấy mẫu kiểm tra trước khi thu hoạch, 100% sản phẩm đều đạt không kháng sinh, không chất cấm... Công nghệ Biofloc như là lời giải cho việc mở ra hướng sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm.
Về sản phẩm dưa lưới, ông Trang Quốc Dũng, Công ty Nông Phát, cho biết công ty ứng dụng triệt để công nghệ cao để trồng dưa lưới tại huyện Hóc Môn, giúp nâng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Việc sử dụng nhà màng chất lượng cao, hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp giúp ở đầu và cuối nguồn đều có lượng nước ngang nhau. Hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng phân bón, quá trình tưới tiêu, từ gieo trồng đến thu hoạch.
“Hiện nay có rất nhiều khách hàng tìm đến, chúng tôi không đủ sản lượng để bán”, ông Dũng cho biết.
Bài học của Công ty Nông Phát là việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không nhất thiết phải là thiết bị hiện đại, đắt tiền, mà điều quan trọng là hiểu rõ sản phẩm để áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, để có giá thành hợp lý và mang lại hiệu quả.
Công ty Nông Phát không cắt chi phí đầu tư nhưng tiết kiệm đúng chỗ và nâng cao hơn giá trị gia tăng sản phẩm mang lại. Vì vậy, chi phí 530 triệu đồng đầu tư 1.000m2 đất sản xuất dù hơi đắt nhưng hiệu quả đạt được lại cao hơn. Hướng tới của công ty năm 2018 là trồng thêm rau sạch, măng tây.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư theo hướng công nghệ cao
Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT TPHCM, một số dự án chuyển đổi diện tích lúa và mía năng suất thấp sang trồng hoa kiểng, cá cảnh, các loại rau ăn lá và ăn quả ứng dụng công nghệ cao đã đi vào sản xuất.
Đến nay đã có gần 390ha, tăng 385,5% so với cùng kỳ năm trước (101ha). Trong đó, nhiều cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như: rau (nhóm rau ăn lá bình quân khoảng 1 - 1,4 tỷ đồng/ha/năm, nhóm rau ăn quả 0,6 - 0,7 tỷ đồng/ha/năm); hoa lan (bình quân 2 tỷ đồng/ha/năm); bò sữa (quy mô 20 con, bình quân khoảng 800 triệu đồng/năm); nuôi tôm siêu thâm canh (bình quân khoảng 2,7 - 3 tỷ đồng/ha/năm); cá cảnh (bình quân 10 - 12 tỷ đồng/ha/năm)... Các mô hình trên mang lại lợi nhuận cao, từ 30% - 40%.
Nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục được người dân và doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Nhưng không phải mọi việc đều suôn sẻ. Công ty cổ phần Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Sài Gòn đã xây dựng hồ sơ để được chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Để ứng dụng công nghệ cao, không chỉ đòi hỏi sự am hiểu và trình độ của người sản xuất, mà còn cần nguồn vốn khá lớn. Vay vốn ngân hàng tuy được ưu đãi theo chính sách và chủ trương của TPHCM, nhưng khi nhận vốn phải trừ lại lãi suất vay, làm cho đồng vốn bị giảm.
Tương tự, Công ty Nông Phát khó tiếp cận vốn vay. Ngân hàng nào cũng yêu cầu có tài sản thế chấp thay vì căn cứ trên phương án đầu tư có hiệu quả hay không, và yêu cầu phải có giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đánh giá cao những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cho hiệu quả tốt như trồng dưa lưới (Hóc Môn), nuôi tôm nước lợ (Cần Giờ), chế biến sữa bò (Củ Chi)…
Ngành nông nghiệp TP cần chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, từng bước nhân rộng các mô hình để nông nghiệp ngoại thành trở thành vùng nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất.
TP khuyến khích và có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ cá thể đầu tư vào sản xuất theo hướng này. Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm chỉ đạo ngành nông nghiệp TP làm việc với Bộ NN-PTNT, tìm hiểu về quy trình công nhận doanh nghiệp công nghệ cao và hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện để được hưởng các ưu đãi theo quy định.
Giá trị sản xuất nông nghiệp 19.600 tỷ đồng
Với đặc thù là TP công nghiệp và dịch vụ lớn nhất cả nước, hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% GRDP của TPHCM. Dù vậy, con số tuyệt đối, giá trị sản xuất thực tế trong lĩnh vực nông nghiệp là 19.600 tỷ đồng - tương đương với một tỉnh nông nghiệp khá của cả nước. Giá trị sản xuất nông nghiệp của TPHCM năm 2017 tăng 6,3% so với năm 2016 - bằng 2,2 lần so mức tăng cả nước.