Anh Nguyễn Huy Nam, thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (Yên Sơn) nuôi cá đặc sản trên sông từ năm 2014. Lúc đầu anh Nam nuôi cá lồng đặc sản gồm cá chiên, cá bỗng trên sông Lô tại tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, thời điểm đó, cá giống hoàn toàn bắt tự nhiên nên không nuôi được nhiều.
Nhận thấy lợi nhuận kinh tế rất cao từ nuôi cá đặc sản, năm 2018 anh Nam mạnh dạn mở rộng quy mô lồng nuôi. Để quản lý, chăm sóc cá tốt hơn anh Nam di chuyển toàn bộ lồng nuôi cá từ Hà Giang về Tuyên Quang.
Theo anh Nam, ngoài quản lý theo dõi, ngành thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã sản xuất thành công giống cá chiên đặc sản nên rất thuận lợi cho anh trong việc tìm nguồn cá giống. Hiện tại, gia đình anh có 10 lồng cá, gồm 1 lồng cá chiên, 2 lồng cá bỗng và 7 lồng cá lăng; trong đó 3 lồng cá lăng bắt đầu cho thu hoạch.
Anh Nam cho biết, nguồn thức ăn cho cá là các loại cá tạp nên cá lớn nhanh, thịt chắc, thơm ngon. Cá đặc sản đạt trọng lượng từ 2 - 2,8 kg/con phải bảo đảm thời gian nuôi từ 2 - 2,5 năm mới xuất chuồng. Trung bình mỗi năm, anh Nam thu khoảng 7 - 8 tấn cá thương phẩm thu về 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Cá đặc sản của gia đình anh Nam nuôi chủ yếu cung ứng theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, Hà Giang và thành phố Việt Trì (Phú Thọ).
Ngoài nguồn thức ăn cho cá sạch, anh Nam rất cẩn trọng chọn vị trí để neo lồng vào eo sông, vừa khuất gió, bảo đảm độ nước sâu, đặc biệt khi mưa lũ xảy ra cá sẽ không bị "sốc" nước.
Thời điểm này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các nhà hàng tạm dừng hoạt động, đây là thời gian để anh chăm sóc cá có chất lượng hơn, đến khi hết dịch cung ứng cho thị trường, cá càng bảo đảm chất lượng, được giá.