Đầu tư chiều sâu
Anh Hoàng Long Thương, ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, là chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên hồ Thủy điện Tuyên Quang cho biết: Nhận thấy lòng hồ thủy điện rộng, là vùng sinh thái phù hợp cho nuôi cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, trọng lượng lớn như cá chiên, cá nheo, cá bỗng, trắm cỏ, cá lăng, cá trê phi, cá rô phi đơn tính,… vì vậy từ tháng 8-2015, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư 10 lồng, mỗi lồng có thể tích 108 m3/lồng để nuôi nhiều loại cá khác nhau. Đến nay, sau hơn một năm nuôi, một số loài cá phát triển rất nhanh như cá chép, cá rô phi, cá trê phi. Bán ra thị trường, anh Thương không chỉ tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho năm lao động khác ở địa phương.
Không chỉ hộ anh Thương ở khu vực Thủy điện Tuyên Quang biết tận dụng diện tích mặt nước hồ thủy điện để nuôi cá lồng, nhiều hộ dân ở xã Tràng Đà nằm ở phía bắc của TP Tuyên Quang cũng đóng lồng bè nuôi cá trên sông Lô. Để hỗ trợ các hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng, năm 2000, UBND xã Tràng Đà phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông thành phố, và Trung tâm thủy sản các trường dạy nghề mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cho các hộ về kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông Lô.
Cùng với sự giúp đỡ của xã, các Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã cũng vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền vận động và tín chấp cho các hộ là cán bộ, hội viên được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để có thêm nguồn vốn đầu tư sản xuất, chuyển từ lồng cá làm bằng tre, nứa, hóp, sang đầu tư lồng sắt để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, cũng như thay thế giống cá nuôi từ trắm sang các loại cá đặc sản như cá bỗng, cá chiên… đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Được tiếp thêm nguồn vốn, cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, nhờ vậy số lồng nuôi cá trên sông Lô của Tràng Đà đã tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 1998, cả xã có sáu lồng thì đến năm 2010, số lồng là 25, đến năm 2015 có 31 lồng và thời điểm hiện tại đang có 21 hộ nuôi với tổng số 62 lồng. Điều đáng nói là nhờ thay đổi phương thức chăn nuôi, thu nhập từ cá lồng mang lại hiệu quả cao, với thời gian từ một đến gần hai năm nuôi, một lồng nuôi cá chiên khi xuất bán bình quân 120 đến 130 kg/lồng, giá bán giao là 500.000 đồng/kg đã cho thu nhập từ 60 đến 65 triệu đồng. Tổng thu nhập từ nuôi cá lồng của các hộ hằng năm từ 2,5 đến 2,8 tỷ đồng, đây là một nguồn thu lớn trên địa bàn xã trong sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi thủy sản nói riêng. Nhờ vậy, năm 2015, Tràng Đà đã được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bảo tồn các loài cá đặc sản
Với lợi thế 9 km sông chảy qua các thôn trong xã, như Soi Long, Hồng Thái, Ba Luồng... cùng với hệ thống ao hồ tương đối lớn, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên tập trung đầu tư, phát triển chăn nuôi thủy sản, nhất là nuôi cá chiên trong lồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2015, xã đã phối hợp Chi cục Thủy sản, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hàm Yên thành lập Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh cá chiên đặc sản Thái Hòa. Tham gia hợp tác xã có 16 thành viên, là những hộ nuôi cá lồng trên địa bàn.
Các thành viên được bảo đảm quyền lợi trong việc cung ứng nguồn vốn, con giống, thức ăn, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trị các bệnh thường gặp cho cá, xây dựng thương hiệu cá chiên đặc sản Thái Hòa. Đến nay, toàn xã có hơn 100 lồng cá, nhiều hộ nuôi từ bảy đến tám lồng, chủ yếu là nuôi cá chiên đặc sản, mỗi năm cho thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng trở lên.
Để phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là bảo tồn các loài thủy sản đặc sản có giá trị gia tăng cao của địa phương. Chi Cục trưởng Thủy sản Tuyên Quang Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết, tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ việc xây dựng trại nuôi và bảo tồn nguồn gien các loài thủy sản đặc sản của địa phương đang có nguy cơ tuyệt chủng như: Cá dầm xanh, cá anh vũ, cá lợ thân thấp, cá chiên, cá lăng chấm, cá bỗng, cá chày đất, cá vền, cá hỏa... là các loài cần phải bảo vệ trong danh mục hệ thống các khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ và nằm trong danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển theo Quyết định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17-7-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; soạn thảo, ban hành mới các quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, nuôi cá lồng thâm canh trên sông, hồ với các đối tượng nuôi làm cơ sở để địa phương chỉ đạo sản xuất; quan tâm tổ chức thực hiện các dự án khuyến ngư, để chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu về quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông cơ sở và người nuôi cá, cũng như triển khai các mô hình nuôi cá đặc sản theo quy trình VietGAP nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.