Năm 2015, nông dân Vĩnh Châu đã thả nuôi trên 370 ha cá Kèo, tập trung ở các xã Hòa Đông 113 ha, Lạc Hòa 50 ha, phường Khánh Hòa 108 ha và phường Vĩnh Phước 27 ha. Mỗi công bà con thả nuôi từ 5 - 6 kg cá Kèo giống, sau 4 tháng nuôi có thể thu được trên 4 tấn cá thương phẩm. Như hộ anh Hồng Quốc Bảo ở ấp No Tôm, xã Hòa Đông là một trong những hộ nuôi cá Kèo khá thành công. Năm 2013, sau khi nuôi Tôm liên tiếp thất bại, anh chuyển sang nuôi cá Kèo trên 3.000 m2 đất nuôi tôm, sau gần 4 tháng nuôi thu hoạch được hơn 8 tấn cá, với giá bán bình quân 55.000 đ/kg, trừ chi phí còn lãi trên 170 triệu đồng. Thấy hiệu quả, năm 2015 anh tiếp tục thả nuôi, anh Bảo cho biết thêm: “Với trên 4.000 mét vuông mặt nước mỗi vụ tôi thả nuôi trên 600.000 con cá Kèo. Sau 4 tháng chăm sóc, cá đạt khoảng 38 con/kg, thương lái đến cho giá trên 80.000 đ/kg. Nuôi cá Kèo tôi thấy dễ có lời hơn nuôi Tôm sú rất nhiều”
Việc đa dạng hoa cây trồng, vật nuôi ở Vĩnh Châu là điều cần thiết, qua đó nhằm xóa thế độc canh Hành tím và con Tôm, góp phần đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã. Do đó thời gian tới, Vĩnh Châu sẽ có hướng nhân rộng mô hình này. Ông Dương Hoàng Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, cho biết: “Để đa dạng hóa các mô hình, xã đã khảo sát, lập kế hoạch sản xuất tập trung theo từng vùng, nhằm giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất. Điển hình như mô hình nuôi cá Kèo kết hợp với việc lấy nước nuôi cá Kèo để thả nuôi Tôm thẻ chân trắng và Tôm sú”.
Vuông tôm gia đình anh Hồng Quốc Bảo ở xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu được chuyển sang nuôi cá kèo.
Hiện nay, khi nghề nuôi Tôm còn nhiều khó khăn, thì hiệu quả từ mô hình nuôi cá Kèo được xem là hướng đi khá triển vọng. Tuy nhiên để phát triển thì cần có những giải pháp hữu hiệu, nhằm tìm hướng đi vững chắc cho mô hình sản xuất này, nhất là giải quyết các vấn đề về vốn, con giống, kỹ thuật nuôi và đầu ra ổn định… để mô hình nuôi cá Kèo mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Vĩnh Châu./.