Thực hiện dự án, huyện đã chọn 3 hộ nông dân ở Khối 7, Thị trấn Ea Tling là những gia đình có kinh nghiệm trong việc nuôi thủy sản tại địa phương. Các hộ dân được tập huấn kỹ thuật tiên tiến về nuôi cá Lăng, được hỗ trợ vốn mua cá giống, thuốc thú y, thức ăn và tiền mua vật liệu làm lồng bè... Địa điểm đặt các lồng bè nuôi cá ở phía hạ lưu thác Trinh Nữ trên sông Sêrêpôk, nơi có nguồn nước chảy dồi dào và không bị ô nhiễm và tác động của sự biến đổi môi trường.
Nguồn cá giống được mua ở các cơ sở sản xuất cá giống có uy tín tại Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Các con giống được chọn đạt tiêu chuẩn khỏe mạnh, không có dị hình, cá hoạt động linh hoạt, kích thước 9,5 - 10 cm/con đồng đều, trọng lượng 58 con/kg, mật độ nuôi 60 con/m3 lồng bè. Hiện tại, các hộ dân đã nuôi trên 4.300 con cá Lăng đuôi đỏ trong 3 lồng bè, thể tích mỗi lồng bè 72 m 3 (6x6x2m) , lồng được thả nổi trên sông (độ sâu 6m) bằng những thùng phuy nhựa.
Do cá được nuôi trên sông gần giống môi trường thiên nhiên và chăm sóc đúng kỹ thuật nên sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, hình thức giống cá tự nhiên (đen hơn cá Lăng đuôi đỏ nuôi ở ao hồ). Cá nuôi gần 2 tháng đạt trọng lượng 18 con/kg, lớn nhanh hơn 2,5 lần so với các hộ dân nuôi trong ao, hồ. Dự kiến, dự án này sẽ kết thúc vào tháng 2/2014. Lúc này cá nuôi trong các lồng bè đạt trọng lượng khoảng 0,7 - 0,8 kg/con, lợi nhuận thu được trên 62 triệu đồng.
Cá Lăng đuôi đỏ có đặc điểm là khi còn nhỏ chậm lớn nhưng khi trọng lượng trên 0,7 kg/con cá ăn ít hơn nhưng phát triển nhanh hơn, cá càng to giá trị kinh tế càng cao. Chu kỳ nuôi khoảng 12 - 18 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,9 kg/con.
Đoạn sông Sêrêpôk đi qua địa bàn huyện Cư Jut đã nổi tiếng với các loại cá đặc sản quý hiếm như: Cá mõm trâu, cá Lăng, Chình đuôi đỏ, Bống tượng... Cá Lăng đuôi đỏ là loại cá quý, có thịt trắng chắc, ít xương dăm, mùi vị thơm ngon và bổ dưỡng nổi tiếng ở Tây Nguyên. Những món ăn được chế biến từ loại cá này rất được ưa chuộng, giá bán trên thị trường từ 200.000 đến 300.000 đồng/kg.
Hiện nay, nguồn cá tự nhiên trên sông Sêrêpôk đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức bằng nhiều phương tiện, trong đó có phương tiện hủy diệt. Những năm gần đây dòng sông Sêrêpôk ngày càng ô nhiễm do nước thải của các nhà máy công nghiệp xả trực tiếp ra sông. Môi trường nước biến đổi nhanh, các loại cá trên sông Sêrêpôk đang giảm nhanh số lượng, trong đó có cá Lăng đuôi đỏ đang bị cạn kiệt và có nguy cơ tuyệt chủng.