Những năm trước khi có nhà máy nhiệt điện, Vĩnh Tân còn là vùng tập trung nuôi lồng bè với 64 bè nuôi, khoảng 2000 lồng các loại cá, tôm hùm. Từ khi có nhà máy nhiệt điện đến nay, lồng bè nuôi cá tôm thu hẹp, giảm dần do nuôi không hiệu quả, thua lỗ; Nguyên nhân do nước biển ô nhiễm, cảng biển làm nước không lưu thông gây bệnh sữa trên tôm hùm, cá tôm chậm lớn hoặc chết hàng loạt….
Đến nay, 1 số người vẫn còn tiếp tục bám trụ lai với nghề nuôi lồng bè. Tổng số bè nuôi hiện nay là 13 bè/13 hộ nuôi/372 lồng. Với số lượng nuôi các loại: tôm hùm: 87 lồng; cá bớp (cá giò): 269 lồng; cá mú: 5 lồng; cá chân vịt: 8 lồng.
Qua nắm bắt sơ bộ tình hình nuôi lồng bè hiện nay, đa số bà con đều cho rằng nghề nuôi lồng bè hết sức khó khăn, có những mẻ giống cá vừa thả xuống là chết sạch… Nguyên nhân không ngoài dự đoán là nguồn nước ô nhiễm. Bà con cho rằng nếu chuyển đổi nghề thì không biết đi hướng nào, làm nghề gì vì bao nhiêu tâm huyết, vốn liếng đã dồn hết vào bè nuôi cá, tôm. Hiện nay, bà con thường thả giống cá bớp nhập từ Indonexia, vì theo kinh nghiệm người nuôi ở đây giống cá này giá thành thấp hơn cá giống tại việt Nam, mau lớn, tỉ lệ sống cao. Nhưng theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng thì tốt nhất là mua giống nhập phải có giấy kiểm dịch, để đảm bảo an toàn dịch bênh, tránh mua giống trôi nổi , nếu có sự cố sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho bà con.
Gian nan trên con đường bám trụ mưu sinh, bà con cần phải cân nhắc chừng mực, nuôi theo con nước: cụ thể là thả cá vào vụ nam, tránh hoặc hạn chế thả cá vào vụ bắc. Nên lấy giống ở nơi có uy tín, giống có kiểm định chất lượng; thả giống thưa. Theo luật thủy sản số 18/2017/QH14 ban hành vào ngày 21/11 /2017 có bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/01/2019 , vùng nuôi lồng bè Vĩnh Tân sẽ được đưa vào vùng quy hoạch. Hi vọng một ngày không xa, các hộ nuôi lồng bè nơi đây với hướng đi mới sẽ an tâm sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu cho cá vùng lồng bè Vĩnh Tân.