Gia đình ông Hùng là một trong những hộ làm nông nghiệp tại địa phương nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Trước đây ông cũng tận dụng diện tích ao, vườn thổ cư để cải tạo trồng cây ăn quả, nuôi cá thương phẩm nhưng do diện tích nhỏ hẹp nên hiệu quả kinh tế cũng không cải thiện được là bao. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông được biết mô hình nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả kinh tế cao, từ đó ấp ủ ý tưởng phát triển mô hình nuôi cá lồng trên đoạn sông Hồng chảy qua địa phương. Ông lặn lội sang các tỉnh để tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông rồi về áp dụng. Năm 2010, được chính quyền địa phương nhất trí, ông tìm địa điểm phù hợp và vay vốn bắt tay vào đầu tư làm 10 lồng nuôi cá với tổng diện tích 360m2 (bình quân 36m2/lồng). Trước khi bắt tay vào nuôi trồng thủy sản, ông cũng dành thời gian tìm hiểu những giống cá phù hợp nuôi trên sông cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Sau khi tìm hiểu, ông quyết định đưa giống cá lăng vào nuôi kết hợp với một số giống cá bản địa như trắm, chép, rô phi.
Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất và nắm vững kỹ thuật trước khi nuôi nên mô hình nuôi cá lồng của gia đình ông luôn phát triển và cho thu nhập ổn định qua các năm. Ông Hùng cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vốn đầu tư ban đầu lớn, đặc biệt là phải đối diện với những rủi ro trong mùa mưa bão. Nếu thời tiết thuận lợi, dòng nước ổn định, không có dịch bệnh và người nuôi nắm vững được kỹ thuật nuôi cũng như chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai để bảo vệ các lồng nuôi cá thì cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Từ mô hình nuôi cá lồng trên sông, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch và xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn cá thương phẩm với thu nhập gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất cho lãi trên 200 triệu đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá lồng trên sông, ông Hùng cho biết thêm: Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Vì vậy, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu chủ động các biện pháp phòng bệnh cho cá, người nuôi nên thường xuyên vệ sinh lồng, bè, lưới sạch sẽ, tạo thông thoáng để lưu thông nước trong và ngoài lồng giúp cá không bị thiếu ô xy; dùng vôi bột cho vào túi vải, treo ở các góc lồng, chủ yếu treo ở góc lồng phía đầu nguồn nước chảy để vôi tỏa ra khử trùng môi trường nước, hạn chế phát sinh mầm bệnh. Đặc biệt, thường xuyên bổ sung vitamin C, sử dụng tỏi xay nhuyễn cho cá ăn liên tục từ 7 - 10 ngày/tháng với định lượng phù hợp để tăng sức đề kháng. Vào mùa mưa bão phải kiểm tra, tu sửa lại lồng nuôi, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ neo giữ bảo đảm lồng nuôi vững chắc, đối với lồng lưới cần phải đậy nắp lồng để tránh thất thoát cá. Thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng, kiểm soát nguồn thức ăn, cân nhắc số lượng nuôi trong những tháng cao điểm của mùa mưa bão, lũ, nắng nóng... bảo đảm cho cá phát triển tốt và hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế.