HTX Phong Thổ được thành lập từ tháng 6/2015. Ngay khi ra đời, HTX đã xây dựng thành công khu nuôi cá hiện đại, với quy mô 600 m3, được chia thành nhiều bể nuôi lớn nhỏ. Năm 2018, HTX đạt sản lượng 9 tấn cá thương phẩm (tăng gần 7 tấn so với năm 2017), doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng, lợi nhuận trên 350 triệu đồng.
Khai thác thế mạnh
Bà Lâm Thị Hà - Giám đốc HTX Phong Thổ, cho biết: “Phong Thổ là địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, với diện tích nước mặt lớn, chất lượng nước tiêu chuẩn, nhiệt độ bảo đảm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện hiện đạt hơn 40 ha”.
Hiện tại, HTX đang có hệ thống ao nuôi khoa học, được bố trí theo kiểu phân cấp từ trên cao xuống, thông qua đập nước và hệ thống ống dẫn phi 140 và phi 90 để nguồn nước có thể lưu thông liên tục, bảo đảm cung cấp lượng ôxy cần thiết cho cá. Các ao có bạt che phủ 2/3 diện tích để tạo bóng râm, có hệ thống lọc rác thải và hệ thống xả nước.
Về quy trình nuôi, cá tầm giống khi được 1 tuần tuổi thì đưa về HTX nuôi trong ao nhỏ có diện tích 3 m2. Sau 3 tháng cá phát triển đạt 100 gr/con chuyển sang ao có diện tích 12 m2, cá đạt 500 gr/ con chuyển sang ao nuôi 30 m2, cá đạt 1 kg/con sẽ chuyển sang ao lớn có diện tích 300 m2 và nuôi đến lúc thu hoạch.
Với quy trình nuôi khoa học, cá tầm của HTX có thể đạt trọng lượng lớn, cao nhất lên tới 30 - 40 kg/con. Theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm của HTX thường đạt kích cỡ bình quân 10 - 20 kg/ con. Giá cá tầm hiện nay khá ổn định, dao động ở mức 200.000 - 250.000 đồng/kg.
Để thường xuyên cung ứng sản phẩm cho thị trường, HTX Phong Thổ thực hiện nuôi cá gối nhau, mỗi đợt nuôi cách nhau 5 - 7 tháng. Hiện tại, HTX đang có trên 200.000 con cá, trong đó, có gần 100.000 con đang cho thu hoạch. Sản lượng bình quân đạt 2 - 3 tấn/đợt.
Nâng cao trình độ và an toàn
Với 7 hộ thành viên ban đầu, bên cạnh tận dụng lợi thế sẵn có về nguồn nước lạnh ổn định, để có được thành công như hiện tại, HTX đã có sự đầu tư thích đáng để nâng cao trình độ kỹ thuật và bảo đảm quy trình sản xuất an toàn.
Tất cả thành viên HTX đều phải thông qua các khóa tập huấn, nắm chắc quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu chọn giống, cải tạo nguồn nước, đến chăm sóc, thu hoạch, đồng thời, nắm vững các quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm.
Điển hình, trong khâu chăm sóc, thành viên phải nắm chắc danh mục các loại thức ăn an toàn và tuân theo quy định “bốn đúng” (đúng loại, đúng thời gian, đúng liều lượng, đúng phương pháp). Quy trình thay nước, vận hành máy tạo ôxy, thắp điện… cũng được HTX đặt ra quy chuẩn bắt buộc.
Quy trình nuôi hiện đại đòi hỏi HTX phải sử dụng nhiều loại máy móc, phương tiện kỹ thuật mới (máy bơm, máy tạo ôxy, máy đo chất lượng nước…), vì vậy, thành viên HTX thường xuyên được cử đi tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức về ATLĐ.
Đơn cử, trong quá trình vận hành hệ thống bơm nước, thành viên HTX phải nắm chắc kiến thức về lưới điện, các loại máy bơm, đồng thời, có khả năng xử lý khi hệ thống ống dẫn nước gặp sự cố…
“Việc chú trọng khoa học - kỹ thuật gắn với sản xuất an toàn không chỉ giúp HTX nâng cao giá trị kinh tế, mà còn bảo đảm sự phát triển lâu dài. Mô hình nuôi cá nước lạnh phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nước tự nhiên, vì vậy, nếu chỉ nhìn vào cái lợi trước mắt, hủy hoại môi trường, sẽ gây ra hệ lụy nghiêm trọng”, Giám đốc Lâm Thị Hà nhấn mạnh.
Không chỉ mang lại nguồn thu ổn định cho 7 hộ thành viên, HTX Phong Thổ còn đang tạo việc làm cho 7 - 10 lao động thường xuyên, với mức lương 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Với nền tảng và thành công đang có, HTX hướng tới mục tiêu nâng tổng diện tích nuôi cá lên 1.800 m3, sản lượng đạt trên 30 tấn, tổng giá trị 6 - 8 tỷ đồng.