Thụy Duyên là vùng quê nghèo thuần nông, xa trung tâm huyện, đời sống nhân dân trông vào cây lúa nên thu nhập rất thấp. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1983, ông Hiếu trở về quê hương tham gia sản xuất nông nghiệp. Cảnh nghèo khó đeo đẳng gia đình khiến ông nảy ra ý tưởng muốn làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất này. Ông nghĩ, muốn vậy, phải dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn học hỏi và tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật một cách sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình.
Từ năm 1996 đến năm 2005, ông Hiếu tổ chức nuôi cá sấu, kỳ đà, nhím với quy mô nhỏ, lẻ, cho nên hiệu quả không cao. Ðược sự động viên, giúp đỡ của Hội Nông dân, chính quyền địa phương và gia đình, bạn bè, năm 2006 ông mạnh dạn chuyển đổi một ha đất cấy lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang mô hình sản xuất các loại cây, con đặc sản. Ðể có thêm kiến thức, ông Hiếu được Hội Khoa học kỹ thuật trang trại tỉnh Thái Bình, Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện Thái Thụy tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật xây dựng chuồng trại, nuôi trồng thủy sản, phương pháp hạch toán, quản lý kinh tế hộ gia đình kết hợp đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm các mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh. Qua tham quan, học hỏi, ông Hiếu quyết định chọn hướng đi cho mình là nuôi trồng các cây, con đặc sản như ba ba, cá sấu, nhím, kỳ đà... kết hợp trồng hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy đầu tư vào nuôi cá sấu để cung cấp giống, thịt thương phẩm và nguyên liệu thuộc da đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nên ông đã tập trung đầu tư gần ba tỷ đồng xây dựng hơn hai nghìn m2 chuồng nuôi cá sấu thương phẩm, ao nhân giống.
Cá sấu dễ nuôi, không bị bệnh, nguồn thức ăn chủ yếu là nội tạng gia súc, gia cầm, sau 18 đến 20 tháng có thể xuất bán ra thị trường với giá thành cao, ổn định. Nắm chắc được đặc tính này, ông Hiếu mạnh dạn xây dựng gần 300 cơ sở nuôi cá sấu vệ tinh tại các hộ dân trên địa bàn tỉnh theo phương thức ông trực tiếp cung cấp con giống, vốn, vật tư, tư vấn kỹ thuật cũng như bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ngay tại địa bàn xã Thụy Duyên, ông Hiếu đã giúp đỡ nhiều gia đình cách thức xây dựng chuồng trại theo quy chuẩn, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, nhất là khẩu phần ăn hợp lý, đủ dưỡng chất giúp đàn cá sấu phát triển nhanh. Ông Nguyễn Văn Oanh, ở xóm 1 cho biết: Trước kia kinh tế gia đình trông chờ chủ yếu vào cây lúa, hạt thóc, nhưng từ năm 2009 đến nay, nhờ sự tận tình giúp đỡ của ông Hiếu, cho nên gia đình đã bén duyên với nghề nuôi cá sấu. Chỉ cần 20 m2 chuồng nuôi quây kín, chân tường xây gạch cao khoảng 60 cm, trên rào thép B40, non nửa diện tích lát gạch phẳng phiu cho cá sấu lên nằm nghỉ, phần còn lại đào ao nuôi với độ sâu vừa phải đã có thể nuôi dưỡng từ 20 đến 25 con cá sấu giống, nặng trung bình ba đến bốn kg/con. Cứ sau 18 tháng, gia đình ông Oanh lại xuất đi một lứa cá sấu nặng trung bình 25 kg/con, thu lãi khoảng 25 đến 30 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Cá sấu dễ nuôi nhưng việc phát triển trong cộng đồng không đơn giản vì ban đầu các hộ dân phải có năng lực tài chính nhất định. Có thời điểm, ông Hiếu đã hỗ trợ một phần vốn ban đầu cho hộ khó khăn trong những ngày đầu tham gia nuôi cá sấu.
Với hướng đi đúng đắn, từ năm 2007 đến 2009, bình quân thu nhập từ mô hình trang trại nuôi cá sấu của ông Hiếu đạt hơn 400 triệu đồng/năm; năm 2010 đạt 700 triệu đồng/năm và năm 2012 đạt hơn hai tỷ đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Là đơn vị đầu tiên ở miền bắc nuôi thành công cá sấu trong cả mùa lạnh bằng cách quây bạt kín ao nuôi, lắp mái nhựa tránh mưa phùn, tăng nồng độ muối trong nước và thắp đèn điện, năm 2012, ông Trần Ngọc Hiếu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Lao động sáng tạo.
Là hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm, vừa trực tiếp tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Thái Bình khóa 9 (nhiệm kỳ 2013-2018), ông Hiếu là tấm gương sáng trong lao động, được bà con nông dân vùng quê lúa mến phục.