Gia đình ông Tuyến hiện đang nuôi 400.000 con cá thác lác cườm trên diện tích 2 ha, ước đạt sản lượng khoảng 300 tấn. Ông Tuyến cho biết nuôi cá thác lác cườm trong ao bằng thức ăn công nghiệp chi phí đầu tư 1 kg cá khoảng 30.000 đồng. Với giá bán ra thị trường từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, ông thu lãi gần 50%.
Theo kinh nghiệm của ông Tuyến, nuôi cá thác lác cườm không khó. Ao nuôi tốt nhất gần sông chính để có thể cung cấp nguồn nước ngọt dễ dàng. Ao cần có bờ chắc chắn, tùy cỡ ao lớn nhỏ mà đặt khoảng 2 - 3 ống bọng để cấp, thoát nước. Diện tích ao nuôi từ 200 - 500 m2, độ sâu từ 0,8 -1,2 m, nhiệt độ nước thích hợp 26 - 30 0C, độ pH 7 - 8,5. Trước khi nuôi cần dọn cỏ bờ, tát cạn nước, vét hết lớp bùn đáy, bón vôi với lượng 10 - 15 kg/100 m2. Phơi khô đáy ao khoảng 1 tuần, cho nước vào từ 5 - 7 ngày mới thả cá giống. Nước cần phải qua lưới lọc để ngăn cá tạp và cá dữ, dùng rễ dây thuốc cá diệt cá tạp với liều lượng 3 kg/100 m2. Có thể bón lót phân chuồng để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá giống, với liều lượng 15 - 20 kg/100 m2. Để cá lớn khỏe, đòi hỏi có nguồn cá giống sạch bệnh mua ở các cơ sở uy tín, kích thước đồng đều (cỡ 3 - 5 phân), không bị xây xát. Cá giống mua về nên thả vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thả ngâm bao đựng cá trong ao 15 - 20 phút để cá không bị sốc do nhiệt độ môi trường và nước ao thay đổi. Mật độ thả 5 - 10 con/m2.Trong ao đặt một số giá thể cho cá trú.
Ban đầu nên cho cá giống ăn cá, tép vụn. Cá mồi phải được rửa sạch, băm nhỏ hoặc có thể xay nhuyễn, trộn với chất kết dính để thức ăn không bị rã. Thức ăn cần vo thành viên, đặt trên sàn để theo dõi, điều chỉnh liều lượng hằng ngày. Do cá hoạt động mạnh vào ban đêm nên buổi sáng chỉ cho ăn 1/3 khẩu phần, buổi chiều cho ăn 2/3 khẩu phần còn lại. Thỉnh thoảng trộn tỏi vào thức ăn theo liều lượng 50 - 100 gr/10 kg thức ăn, cho ăn liên tục trong 3 ngày. Chú ý nước trong ao rất quan trọng, tùy theo màu nước mà có chế độ thay nước phù hợp, lượng nước thay mỗi lần là 1/3.
Ông Tuyến khẳng định mô hình nuôi cá thác lác bằng nguồn thức ăn công nghiệp có thể tự chủ được nguồn thức ăn, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, giúp giảm được chi phí nuôi và lợi nhuận sẽ tăng cao hơn.