Chuyển đổi cũng chưa ổn
Từ giữa tháng 3, giá cá đạt 20.000 đ/kg, tăng hơn hồi đầu tháng khoảng 2.000 đ/kg. Tuy vậy, chú Bảy Lý- hộ nuôi cá tra ở Mang Thít- cho biết: “Vẫn còn thấp hơn giá thành nhưng giá tăng khiến người nuôi cũng nhẹ được phần nào”.
Cũng theo chú Bảy Lý thì từ tháng 6/2015 đến nay, giá cá luôn ở mức rất thấp, nuôi cá liên tiếp lỗ lã, nên “giờ hy vọng giá tiếp tục tăng để có cơ hội gỡ gạc lại thua lỗ lâu nay, mà nếu nghỉ nuôi thì ngân hàng siết nợ sẽ khổ trăm bề”.
Trong tình hình khó khăn, giá thấp, khó bán, thời gian qua lại xuất hiện nhiều doanh nghiệp mua cá nợ tiền, càng gây hoang mang cho người nuôi.
Qua ghi nhận, tại Mang Thít, một số hộ nuôi sau thời gian thua lỗ “đứt vốn” đã liên kết doanh nghiệp cung ứng thức ăn. Đây cũng là giải pháp hay, bởi theo anh Phùng Văn Thương Em - hộ nuôi cá tra ở đây- thì: “Khi doanh nghiệp thức ăn nhúng tay vào thì sẽ thay người nuôi đi đòi được tiền nhanh hơn”.
Nhưng không phải người nuôi cá nào cũng có “mối ngon” như vậy. Nhiều hộ nuôi cho biết, một số doanh nghiệp thức ăn “chơi mánh” đưa thức ăn không đủ chất lượng, khiến cá ốm đói, mất sản lượng.
Ông Hồ Văn Vàng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, bên cạnh giá cả thì khó khăn nhất hiện nay là không kiểm soát được thức ăn, đã tác động đến người nuôi. Hầu hết người nuôi đều nợ ngân hàng nên ít ai tiếp cận được vốn, chủ yếu vay qua đại lý thức ăn với lãi suất cao.
Hiện không ít hộ đã chuyển nuôi cá khác, nhiều hộ treo ao, bỏ ao để mặc tình cho cá sông ra vô. Một số trường hợp chuyển sang nuôi cá lóc, cá trê, nhưng thực tế “chuyển đổi cũng chưa ổn”, bởi ngoài ô nhiễm môi trường thì những loại này chỉ tiêu thụ nội địa, hiệu quả chưa cao.
Nuôi cá tra: Lo từ sản xuất tới tiêu thụ
Giá cá tra nguyên liệu có dấu hiệu tăng trở lại khi việc xuất khẩu đang thuận lợi ở thị trường mới, cụ thể là Trung Quốc. Theo TS. Võ Hùng Dũng, nếu như năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chỉ khoảng 3 - 3,5% thì 10 tháng đầu năm 2015 chiếm đến 10%.
Riêng trong tháng 1/2016, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt trên 17 triệu USD, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra (sau Mỹ và EU).
Tuy vậy, theo TS. Võ Hùng Dũng “vẫn còn e ngại về những rủi ro”, bởi hiện Trung Quốc vẫn chưa mở cửa thị trường cho cá tra Việt Nam, cho nên xuất khẩu sang quốc gia này bằng đường biển phải chịu thuế và chịu kiểm soát sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Còn xuất bằng đường bộ, tức xuất tiểu ngạch, thì không phải chịu thuế cũng như bị kiểm tra, nhưng phải chấp nhận “chung chi” cho mỗi chuyến hàng.
“Trung Quốc là thị trường rất lớn, hấp dẫn, nhưng khả năng tăng lượng cá tra xuất khẩu lên là chưa có, ngoại trừ qua đường biên mậu. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu rủi ro rất lớn khi hải quan Trung Quốc “siết”, vì hàng hóa sẽ ứ đọng, thậm chí mất tiền nếu bạn hàng bị bắt”- TS. Võ Hùng Dũng nói thêm.
Chính sự xuất khẩu thiếu ổn định này mà thời gian qua có những doanh nghiệp dù bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao gần như phải bỏ thị trường Mỹ, nhưng cũng không chuyển sang thị trường Trung Quốc.
Thay vào đó là tìm tới những thị trường khác, tuy không “nóng” và khó tính hơn nhiều so với thị trường Trung Quốc, nhưng lại có giá trị xuất cao hơn, có sự bền vững về thị trường và an tâm trong khâu thanh toán.
Mặt khác, áp lực từ các rào cản thương mại được đặt ra như thuế chống bán phá giá và Đạo luật Nông trại (Farm Bill) của Mỹ càng gia tăng khiến xuất khẩu càng khó khăn. Vì vậy, về lâu dài, người nuôi và doanh nghiệp phải tuân thủ “luật chơi”, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong nghề nuôi cá tra, để đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam đang hoàn thiện đề án và thúc đẩy hoạt động tái cấu trúc ngành hàng cá tra. Đồng thời, thực hiện xếp hạng doanh nghiệp ngành cá để thúc đẩy hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp, nhằm từng bước nâng cao vị thế doanh nghiệp trên thương trường.