Phát huy tiềm năng đất cồn bãi ven sông Tiền, Tiền Giang đang đưa vào nuôi cá tra thâm canh, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, giúp đảm bảo an sinh xã hội.
Để nghề nuôi cá tra xuất khẩu phát triển một cách bền vững, tỉnh quy hoạch vùng nuôi, khuyến khích nông dân áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật thâm canh nhằm đạt năng suất, sản lượng cao vừa phòng chống hiệu quả dịch bệnh gây hại, áp dụng quy trình nuôi theo hướng GAP truy xuất nguồn gốc, an toàn nâng chất lượng cá tra nguyên liệu đảm bảo nguồn cung chế biến xuất khẩu…
Nuôi cá tra ở cù lao Tân Phong trên sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Nam Thái/TTXVN
Diện tích qui hoạch nuôi cá tra xuất khẩu tập trung ven sông Tiền thuộc các huyện vùng đầu nguồn tỉnh Tiền Giang như Cai Lậy, Cái Bè.
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm mở mang nghề sản xuất và cung ứng cá tra giống tốt nhằm tạo dịch vụ hậu cần vững chắc cho ngành nuôi cá tra thâm canh ven sông Tiền. Toàn tỉnh hiện có 3 trại sản xuất giống cá tra, 127 ha ương dưỡng cá tra giống, hàng năm sản xuất và cung ứng trên 1 tỷ cá tra bột và 60 triệu con cá tra giống.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần chế biến thủy sản Gò Đàng (tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Đáng chú ý, thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ nhằm đưa ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra trên địa bàn đi vào nề nếp, Tiền Giang đã tiến hành xác nhận việc đăng ký diện tích và sản lượng nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ngành chức năng đã cấp 30 giấy chứng nhận mã số nhận diện cơ sở nuôi, đạt 80% tổng số tổ chức, cá nhân đang tham gia nuôi cá tra thương phẩm trên địa bàn.
Mặt khác, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và chứng nhận vùng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP cho 67,9 ha, đạt 55,6% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Đây là hướng đi quan trọng nhằm nâng chất lượng nguyên liệu cá tra đầu vào phục vụ ngành công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu tại Tiền Giang.