Theo ông Bùi Hữu Phương, phó bí thư thường trực xã Thới Hưng thì mô hình nuôi cá trên ruộng lúa vừa giúp nhà nông tăng thêm thu nhập vừa diệt được mầm bệnh trên ruộng lúa. Sau khi thu hoạch, đất sẽ tơi xốp, các chất bã sẽ được phân hủy, mặt đất giữ lại một lượng dinh dưỡng đáng kể giúp cho vụ lúa mùa sau giảm được chi phí về tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Theo kinh nghiệm của nhiều người thì ruộng nào có nuôi cá trong mùa nước nổi, vụ sau giảm được lượng phân bón từ 20 - 30%. Đó là một vấn đề đáng quan tâm, nhưng đây mới chỉ là trải nghiệm của những mô hình 2 lúa - 1 cá. Còn có chính xác, có cơ sở khoa học hay không cần phải có ý kiến của các nhà khoa học.
Ông Trần Thanh Hải, chi cục trưởng Chi cục thủy sản Cần Thơ, cho biết: “Phong trào nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ hiện đang phát triển rất mạnh ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền với diện tích trên 10.000 ha, tăng 10 - 15% so với năm rồi. Đó là mô hình 2 lúa + 1 cá hoặc 3 lúa + 1 cá vào mùa lũ đang đem lại hiệu quả cao”.
Các loại cá được chọn nuôi trên ruộng lúa hiện nay phần lớn là chép, rô phi, mè hoa, mè vinh và một ít cá tạp. Về vốn đầu tư, họ chỉ mua con giống ban đầu, thức ăn thường có sẵn trong thiên nhiên, chủ yếu là lúa chét, côn trùng từ trong rơm rạ, trứng ốc bươu vàng, sâu rầy, rong tảo, bèo... nên người nuôi giảm được chi phí về thức ăn. Nhờ mực nước lên cao, môi trường thoáng đãng, yên tĩnh nên cá lớn rất nhanh và ít hao hụt. Thời gian nuôi chỉ cần 3 - 4 tháng là cho thu hoạch. Năng suất trung bình từ 900 kg - 1, 2 tấn cá/ha. Trừ hết các khoản chi phí còn lãi từ 8 - 10 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Lâm Minh Trí, phó phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, cho biết: “Năm năm nay mô hình nuôi cá ruộng tăng dần diện tích. Đặc biệt mùa lũ 2012, diện tích mặt nước thả nuôi đã đạt 5.000 ha. Riêng xã Thới Hưng có tới 1.500 hộ nuôi với diện tích nuôi khoảng 3.300 ha, được coi là “vương quốc” cá trên ruộng lúa của huyện Cờ Đỏ”.
Có thể nói nuôi cá trong mùa lũ là một sáng tạo độc đáo của bà con nông dân. Đa phần người nuôi đều tận dụng gốc rạ của vụ lúa hè thu để thả cá hoặc sau vụ ba, lúc lúa chét mọc nhiều, tạo thêm nguồn thức ăn thiên nhiên trong suốt mùa nước nổi. Người nuôi chỉ cần cho ăn bổ sung nên chi phí không đáng kể. Về kỹ thuật nuôi và chăm sóc: Mật độ thả cá tốt nhất là 1 - 2 con/m2. Lúc mới thả nên cho cá ăn mỗi ngày 2 lần. Khi mực nước lên cao, cá lớn dần chúng sẽ tự tìm thức ăn trong thiên nhiên. Người nuôi chỉ cần kiểm tra bờ, lưới bao hàng ngày để theo dõi và kịp thời xử lý những tình huống bất thường. Hiện nay nhiều người thường giăng vài bóng đèn điện trên ruộng lúa và cho cháy vào ban đêm để dẫn dụ các loại côn trùng đến làm mồi cho cá.
Sau khi thu hoạch 3 vụ lúa trên 9 công ruộng, anh Trần Văn Quanh, ở ấp 1, xã Thới Hưng liền gia cố lại bờ đê, bao lưới xung quanh và cho nước vào, sau đó thả 40 kg cá giống. Đến nay, sau hơn 1 tháng, đàn cá đã phát triển tốt. Ước tính cuối vụ sẽ lời trên 10 triệu đồng. Anh nói, người nuôi cá cần chú ý là trong suốt quá trình thả cá không được dùng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào trên đồng ruộng.