Ông Trần Văn Tình, một người nuôi tôm hùm ở Vũng Mắm lắc thúng chai ra giữa vịnh Xuân Đài thăm chừng lồng nuôi tôm, cho biết: Trước đây, dưới một cái bè, người nuôi tôm hùm thường kết 3-4 lồng, có bè 9-10 lồng thả chìm sát đáy. Còn nay, chúng tôi rút lồng lên nuôi “ganh”, tức là lận can nhựa vào dưới lồng và nẹp bên hông để lồng nổi lưng chừng, chứ không nuôi chìm nữa.
Cũng theo ông Tình, nuôi tôm hùm đầu tư vốn lớn, người nuôi hay “thúc” cho tôm mau lớn bằng cách “ép” tôm ăn. Thông thường, xe đông lạnh chở cá giã (đủ loại cá trộn chung lại) vòng quanh đầm bỏ mối cho người nuôi tôm với giá 20.000-30.000 đồng/rổ (tùy theo rổ lớn nhỏ). Có người nuôi 10 lồng, mỗi lần thay vì cho tôm ăn khoảng 10 rổ thì lại “ép” tôm ăn đến 12 rổ. Tôm ăn không hết, thức ăn thừa mứa chìm xuống đáy đầm. Khu vực Vũng Mắm này có cả trăm hộ nuôi, hàng trăm rổ cá chết thừa mứa được trút xuống đầm, cộng với nắng nóng làm tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước. Đó là chưa tính khu vực các vũng khác, nuôi tôm như vậy thành ra hại tôm. Và hậu quả là vừa qua, hàng ngàn con tôm hùm ở vùng này đã bỏ ăn, trồi đầu lên nằm chết la liệt.
Nói về việc “ép” tôm hùm ăn, anh Bùi Văn Bảy, một người nuôi tôm có thâm niên 10 năm trên Vũng Sứ, phân trần: “Tôm hùm ăn thức ăn tươi sống nên ngày nào người nuôi cũng phải bỏ tiền mua thức ăn cho tôm. Tôm ăn mạnh mình mừng, nó lơ ăn là người nuôi đứng ngồi không yên”. Theo anh Bảy, nhiều người bỏ thức ăn thừa xuống vịnh, mùa này biển chưa động nên dưới đáy vịnh Xuân Đài chưa có dòng chảy, thức ăn tồn đọng lâu ngày gây hôi thối. Vừa qua tôm chết, anh Bảy lặn xuống đầm đong chai nước mang lên, ngửi mùi rất nặng. Cũng chính vì vậy, trước đây, vùng này nuôi thưa thì trúng vụ, mà nay nhiều người đổ xô đến nuôi, mật độ dày gây ô nhiễm, làm tôm hùm chết, người nuôi phải bán đổ bán tháo, dẫn đến lỗ nặng.
Theo nhiều người nuôi tôm hùm, nếu nuôi chìm như trước đây tính ra mỗi lồng đầu tư cả vỏ lẫn ruột (lồng nuôi, giống, thức ăn) từ 30-50 triệu đồng. Nay chuyển sang nuôi “ganh”, người nuôi phải đầu tư thêm 1 triệu đồng/lồng để mua can nhựa đặt dưới đáy cho lồng nổi lưng chừng, cộng thêm dây neo đề phòng gió đánh dạt lồng ra biển. Từ khi nuôi “ganh”, hiện tượng tôm chết chưa thấy xuất hiện nữa.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, trên cơ sở các kết quả đo phân tích môi trường, tình hình vùng nuôi và các thông tin thu thập từ cơ sở, một số nguyên nhân gây hiện tượng tôm, cá chết đột ngột là do vùng nuôi có mật độ lồng nuôi dày, mức độ ô nhiễm cao, độ sâu mực nước thấp (khoảng 4-6m) dẫn đến thành phần chất lơ lửng trong nước cao, ôxy hòa tan thấp, gây nên hiện tượng thiếu ôxy cục bộ và làm tôm chết hàng loạt tại các lồng nuôi. Vì vậy, Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân nuôi thưa, tuân thủ theo quy hoạch vùng nuôi để tránh thiệt hại về kinh tế.
Ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, cho hay: Vịnh Xuân Đài hiện có trên 1.120 hộ nuôi tôm hùm với trên 13.300 lồng nuôi tôm hùm, chủ yếu tôm hùm bông (sao), còn lại tôm đá, tôm xanh, tôm sỏi... Để hạn chế dịch bệnh tôm, hàng tháng, Phòng Kinh tế đã thông báo kết quả quan trắc môi trường đến người nuôi và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm theo đúng quy trình, tránh thiệt hại về kinh tế.