Trong một lần tình cờ biết về mô hình nuôi rắn ri tượng, bà Năng cảm thấy thích thú và mua giống về nuôi thử. Ban đầu bà nuôi 25 con trong xô nhựa. Không nắm rõ kỹ thuật nên rắn bị chết. Không nản chí, bà mày mò tìm hiểu và cuối cùng thành công cũng đến. Những lứa rắn giống đầu tiên bà giữ lại nuôi mở rộng đàn. Ðồng thời xây luôn hồ xi-măng để nuôi rắn.
Theo bà Năng, rắn ri tượng dễ bị chết là do lúc nhỏ hay bị bệnh lở miệng, khi đó rắn sẽ bỏ ăn. Ðể khắc phục bệnh này, nên cho rắn phơi nắng thường xuyên, đồng thời nuôi rắn trong môi trường thông thoáng, không nên để trong mái che kín sẽ khiến rắn bị giảm sức đề kháng.
Bà Năng nuôi rắn ri tượng chủ yếu để bán rắn giống. Sau khi rắn sinh sản vài mùa, bà mới bán rắn thịt. Hiện tại, bà duy trì trong hồ hơn 70 con rắn ri tượng có trọng lượng trên 1 kg, đang trong tuổi sinh sản. Chỉ tính riêng tiền bán rắn giống cho thu hoạch mỗi năm hàng chục triệu đồng.
Bà Năng cho biết, rắn thịt có giá cao, tuy nhiên, thời gian nuôi khá lâu. Do đó, nuôi rắn giống sẽ cho thu nhập nhanh và cao hơn.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khóm 1, thị trấn U Minh, bà Năng tích cực vận động chị em hội viên nhân rộng mô hình.
Chị Nguyễn Hồng Tươi, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn U Minh, cho biết, từ việc nuôi rắn hiệu quả, bà Năng đã vận động thêm 10 chị em trong khóm thực hiện. Bà bán lại rắn giống với giá ưu đãi và tích cực hướng dẫn kỹ thuật, cách thức nuôi. Từ đó góp phần phát triển phong trào của hội và giúp nhiều chị em có thêm thu nhập.
Bà Năng nhớ lại, khi mới nuôi, có lần sơ ý bị rắn cắn, bà cũng hơi lo lắng. Nhưng với quyết tâm và niềm đam mê, bà nhất quyết không bỏ cuộc.
Theo bà Năng, rắn ri tượng rất dễ nuôi, công việc nhẹ nhàng, thích hợp để phụ nữ thực hiện. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là chị em phải vượt qua nỗi sợ.
Qua quá trình nuôi, thử nghiệm với nhiều loại thức ăn, hiện tại, bà Năng chủ yếu cho rắn ăn cá phi. Bà cho biết, ăn cá phi, rắn lớn nhanh hơn các loại thức ăn khác. Trước đây nhiều người cứ nghĩ rắn ri tượng chỉ ăn các loại cá da trơn, nhái… Thế nhưng, sau khi cho rắn ăn cá phi thì thấy khá phù hợp. Nguồn cá phi có sẵn trong vuông tôm nên giảm đáng kể chi phí.
Theo tính toán của bà Năng, để thực hiện mô hình nuôi rắn ri tượng, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 3 triệu đồng để xây hồ và mua con giống. Hồ nuôi nên để ngoài trời thoáng mát, trong hồ thả lục bình và gác vài tấm tol làm nơi cho rắn trú ngụ.
Dù có lúc tăng, lúc giảm, nhưng so với nhiều đối tượng nuôi khác thì rắn ri tượng giữ giá khá ổn định trên thị trường. Hiện nay, rắn ri tượng giống rất hút hàng, nhiều người trong và ngoài huyện tìm đến để mua rắn giống nhưng bà Năng không đủ bán vì chủ yếu ưu tiên cho các chị em trong hội phụ nữ.
Bà Năng đang chuẩn bị xây dựng thêm hồ nuôi mới. Vượt qua những khó khăn ban đầu, giờ đây, bà đã khẳng định, nuôi rắn ri tượng là công việc không chỉ dành cho nam giới./.