Uỷ ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã nghiêm cấm và yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý nghiêm việc thả lồng, bè nuôi thủy sản tự phát ở vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà.
Thế nhưng, người dân vẫn thả nuôi ồ ạt, còn cơ quan quản lý và chính quyền địa phương lại thiếu kiên quyết trong xử lý. Hậu quả, nhiều vụ cá, tôm, vẹm nuôi của bà con bị chết, người nuôi trắng tay vì nguồn nước ô nhiễm.
Không năm nào người nuôi thủy sản ở Vịnh Mân Quang, thành phố Đà Nẵng tránh khỏi rủi ro vì cá lồng, vẹm xanh, nghêu... nuôi chết hàng loạt, thiệt hại tiền tỷ. Mặc dù, chính quyền địa phương đã nghiêm cấm thả nuôi, nhưng bà con vẫn lấn chiếm mặt nước vịnh Mân Quang, đầu tư lồng bè nuôi mới.
Ông Nguyễn Văn Thân, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà kể, nuôi cá lồng là nghề truyền thống của gia đình. Trước đây, 1 bè 100 mét vuông, thả nuôi cá, mỗi vụ trừ các khoản chi phí, gia đình thu được hơn 200 triệu đồng.
Từ khi có Khu công nghiệp Thủy sản và Âu thuyền Thọ Quang, nơi đây trở thành điểm “nóng” về ô nhiễm, nguồn nước không đảm bảo khiến thủy sản chết liên tục. Nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Ông Nguyễn Văn Thân cho biết, nuôi cá ở đây là trái phép, nhiều rủi ro nhưng bà con không biết làm gì khác nên đành liều.
Cá nuôi của bà con ở vịnh Mân Quang bị chết
“Nguồn nước đây về mùa Hè là không đảm bảo. Nước đỏ, vì quá ô nhiễm. Anh em làm ở đây chứ về nghỉ biết làm gì, làm bảo vệ cũng không được, ra biển thì chúng tôi đi không được rồi. Khó khăn nhiều, ở đây mà làm công trình gì thì họ kéo đi thôi, nhưng không làm thì để dân nuôi thủy sản”- ông Nguyễn Văn Thân bày tỏ.
Hiện khu vực Vịnh Mân Quang, thành phố Đà Nẵng có 146 hộ dân ở các phường ven biển quận Sơn Trà và một số hộ dân ở các tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa đến nuôi thủy sản. Nhà ít thì một bè, nhiều thì vài ba bè. Chính quyền địa phương nhiều lần họp dân, thông báo đến tận hộ, thậm chí cưỡng chế, tháo dỡ lồng bè nhưng chỉ được một thời gian mọi việc đâu lại vào đấy.
Ông Đinh Văn An, Phó Chủ tịch UBND phường Thọ Quang, quận Sơn Trà cho rằng, rất khó xử lý triệt để bởi hầu hết người dân trước đây làm nông nghiệp, sau khi thành phố giải tỏa thu hồi đất làm dự án, một bộ phận dân chuyển đổi ngành nghề, số còn lại không có việc làm nên họ tận dụng vịnh Mân Quang để nuôi thủy sản.
Ông Đinh Văn An cho biết: “Công tác xử lý, tháo dỡ có vướng mắc, bây giờ bà con không biết chuyển đổi ngành nghề gì. Đa số những người canh tác này đã lớn tuổi, việc đào tạo nghề cho các hộ là khó. Địa phương đang triển khai họp lấy ý kiến bà con và đề xuất con cái những người trực tiếp nuôi trồng này thì nhà nước có đào tạo nghề nghề gì để cho gia đình họ chuyển đổi ngành nghề”.
Cá nuôi ở vịnh Mân Quang, Đà Nẵng chết, người nuôi thiệt hại tiền tỷ
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2002, UBND thành phố có Quyết định giao khu vực cồn vịnh Mân Quang cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Việt Á hơn 19 héc ta để triển khai Dự án khu du lịch sinh thái. Chính quyền địa phương đã nghiêm cấm việc người dân thả lồng bè nuôi trồng thủy sản tại đây. Tuy nhiên, do nhiều năm rồi dự án không triển khai, bà con tận dụng mặt nước thả lồng bè để nuôi trồng thủy sản.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, để xảy ra tình trạng bà con lấn chiếm mặt nước, nuôi trồng trái phép có lỗi của chính quyền địa phương, nhưng về phía thành phố cũng cần sớm đốc thúc chủ đầu tư triển khai dự án.
Vừa qua, địa phương đã chấn chỉnh, thống nhất bên Biên phòng và các địa phương không để tình trạng phát sinh lồng bé mới, mời bà con nhân dân họp tuyên truyền chủ trương của thành phố, để bà con nhận thức. Địa phương cũng đề nghị UBND TP yêu cầu chủ đầu tư dự án triển khai sớm)
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay thành phố có chủ trương di chuyển toàn bộ tàu thuyền đậu dọc 2 bờ sông Hàn về âu thuyền Thọ Quang. Tuy nhiên, Âu thuyền này cũng đã quá tải, thành phố đang khảo sát, lấy ý kiến của các ban ngành chọn Vịnh Mân Quang làm nơi neo đậu tàu thuyền mới. Việc di chuyển lồng bè và chuyển đổi ngành nghề cho hộ dân nuôi thủy sản trái phép ở vịnh Mân Quang nằm trong kế hoạch sắp tới.
“Vì dân họ tự phát họ nuôi thôi, chứ thành phố cấm lâu rồi. Bây giờ chúng tôi đang xây dựng đề án, cụ thể di dời ra, ở đâu, tính toán thế nào thì cũng phải chờ thành phố phê duyệt”- ông Nguyễn Đỗ Tám nói.
Tình trạng lấn chiếm mặt nước thả lồng bè nuôi thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang, thành phố Đà Nẵng diễn ra từ nhiều năm nay. Trong khi chính quyền địa phương lại buông lỏng quản lý và thiếu quyết liệt trong xử lý, dẫn đến hậu quả là cá chết, thiệt hại tiền tỷ./.