Thay đổi để tồn tại
Năm 2009 Hợp tác xã (HTX) Xuân Thành, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khởi nghiệp bằng 3ha đất cát ven biển thuê của xã. Thời điểm ấy, nuôi tôm là khái niệm khá mới mẻ với những người muốn làm giàu từ nghề nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết chưa có nhiều biến động, môi trường nước tương đối sạch nên hầu như nuôi vụ nào “ăn chắc” vụ đó.
Sau khi tích góp được “vốn lận lưng”, năm 2015 HTX tiếp tục thuê thêm 8ha mở rộng diện tích nuôi trồng. Những năm sau đó, vẫn áp dụng kỹ thuật nuôi trực tiếp (lấy giống từ cơ sở sản xuất về thả xuống hồ nuôi đến khi thu hoạch) nhưng gần đây, thời tiết mưa nắng thất thường, nguồn nước ô nhiễm hơn nên HTX phải đầu tư thêm hạ tầng chuyển đổi sang công nghệ nuôi 3 giai đoạn.
Cụ thể, khoảng 1 triệu con tôm giống mua về được dèo trong bể 100m3 (khoảng 10 – 15m2); sau khi nuôi được 25 – 30 ngày tiến hành chuyển sang hồ nuôi thứ nhất (2.000m2); tiếp tục nuôi 30 - 40 ngày, tôm phát triển ổn định thì chuyển ra 2 hồ nuôi giai đoạn 3 (mỗi hồ 2.000m2).
Theo ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX Xuân Thành, tính ưu việt của nuôi tôm 3 giai đoạn là kiểm soát được tỷ lệ sống của tôm ngay tại bể dèo; tiết kiệm chi phí đầu tư từ 20 – 25% so với nuôi trực tiếp truyền thống.
“Nếu giá thành nuôi trực tiếp là 85.000 – 90.000đ/kg thì nuôi 3 giai đoạn chỉ nằm ở mức 70.000đ/kg. Như vậy, một cân tôm người nuôi có thể lãi thêm 15.000 – 20.000đ so với nuôi truyền thống. Tính như vậy để thấy rằng, việc thay đổi công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn là xu thế tất yếu để tồn tại”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Hồ Quang Dũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đầu ra không ổn định nên HTX thả nuôi mật độ thấp, năng suất thu hoạch bình quân đạt 20 – 25 tấn/ha.
“Nếu nuôi đúng mật độ, năng suất có những vụ đạt đến 40 tấn/ha. Với 32 hồ/6ha thường xuyên thả nuôi luân phiên, doanh thu mỗi năm của HTX đạt 20 – 25 tỷ đồng”, ông Dũng nói.
Chia sẻ kinh nghiệm hơn 10 năm “bá chủ” nghề nuôi tôm ở Hà Tĩnh, ông Dũng bảo, yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa thành công của HTX. Nuôi tôm lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cực kỳ lớn. Người quản lý, cán bộ kỹ thuật như một “bác sỹ”, nếu không tâm huyết, không nhanh nhạy, bám sát con tôm để “bắt bệnh” thì sẽ thất bại một sớm một chiều.
Tuy diện tích nuôi của HTX không phải lớn nhưng riêng đội ngũ quản lý, kỹ thuật đã lên đến gần 10 người; công nhân trực tiếp đứng hồ là 20 người.
Để duy trì hoạt động sản xuất, HTX Xuân Thành đầu tư thêm 10 bể dèo tôm chuyển đổi sang công nghệ nuôi 3 giai đoạn. Ảnh: Võ Dũng.
Vụ tôm Xuân Hè giảm 28% diện tích
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho giá tôm tại Hà Tĩnh giảm từ 20.000 – 25.000đ/kg, tổng sản lượng tiêu thụ cũng giảm sút 30 – 40%. Do đó, vụ tôm Xuân Hè 2020, người nuôi trồng tại các địa phương thả giống có phần dè dặt.
Ông Lưu Quang Cần, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, theo kế hoạch, năm 2020 có khoảng 1.500 hộ nuôi tôm với diện tích thả nuôi đề ra là 2.750ha. Tuy nhiên, hiện diện tích xuống giống mới đạt hơn 1.000ha (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019), tập trung chủ yếu ở các huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà...
Nguyên nhân một phần do nhu cầu tiêu thụ giảm sút, phần khác ảnh hưởng của việc cách ly xã hội, các phương tiện vận tải (đặc biệt là hàng không) hoạt động ít, ảnh hưởng đến việc vận chuyển con giống tôm từ các tỉnh phía Nam (Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu…) về sản xuất.
Ngoài ra, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả vật tư đầu vào tăng cao cũng gây khó khăn cho các hộ dân tái đầu tư sản xuất.
Được biết, sản lượng tôm nuôi ở Hà Tĩnh 4 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 339 tấn, dư sức phục vụ thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận như Nghệ An, Quảng Bình.
Để duy trì, phát triển nghề nuôi tôm trên địa bàn trong bối cảnh thị trường bấp bênh hiện nay, ông Lưu Quang Cần cho rằng, các huyện, thị xã cần khuyến cáo người dân nuôi rải vụ, không thả giống đồng loạt vụ Xuân Hè như những năm trước đây. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư nuôi tôm vụ Đông để tăng lợi nhuận, do giá tôm vụ Đông nội tỉnh thường cao hơn vụ Xuân Hè từ 20 – 30%.