Với tiềm năng dải đất cát rộng lớn, vùng mặt nước mặn lợ dồi dào, nghề nuôi tôm trên cát và trên ao đất lót bạt ở Hà Tĩnh được xác định là nghề chủ lực. Tuy nhiên, việc gia tăng mô hình cũng đã gây áp lực lên môi trường nước khiến nhiều vùng nuôi tôm ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân... thất bại nhiều hơn thắng lợi.
Đứng trước yêu cầu cấp bách trong việc xử lý môi trường, tiết giảm chi phí đầu tư, công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn được nhiều cơ sở nuôi thủy sản lựa chọn áp dụng. Ban đầu là thử nghiệm và nay, khi đã có nhiều hộ sản xuất thành công thì công nghệ này trở thành xu thế tất yếu, cần sử dụng đồng bộ trên tất cả các vùng nuôi.
Sau khi áp dụng quy trình nuôi 3 giai đoạn, mỗi vụ THT Nuôi trồng thủy sản sông Gon "đút túi" hơn 500 triệu đồng/ha. Ảnh: viettinfood.com
Gia đình anh Nguyễn Văn Hà, xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) có 1ha ao đất lót bạt. Đầu tháng 5/2022, anh thả nuôi 60 vạn tôm giống, áp dụng quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn tuần hoàn ứng dụng công nghệ vi sinh. Đây là mô hình đầu tiên ở TP Hà Tĩnh ứng dụng công nghệ nuôi này.
Quá trình nuôi, anh Hà được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi TP Hà Tĩnh hướng dẫn chi tiết về quy trình chăm sóc, ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại và hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học.
Theo anh Hà, tôm nuôi bằng chế phẩm sinh học vừa thân thiện với môi trường, vừa hấp thụ dinh dưỡng triệt để, tăng sức đề kháng. Sau hơn 75 ngày, tôm đạt trọng lượng 50 - 60 con/kg, năng suất đạt hơn 8,5 tấn/ha; doanh thu hơn 1 tỷ đồng/vụ, trừ chi phí, gia đình anh “đút túi” trên 500 triệu đồng.
Cũng áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến này, sau khi thành lập Tổ hợp tác (THT) Nuôi trồng thủy sản sông Gon (xã Nam Phúc Thăng, huyện Cẩm Xuyên) vào giữa năm 2021, anh Nguyễn Trung Trọng, Tổ trưởng THT cùng với 3 thành viên khác đầu tư đào 1 ao lắng, 1 ao ương và 4 ao nuôi, lót bạt HDPE. Đồng thời, xây dựng hệ thống ao chứa và xử lý nước, chất thải. Nguồn nước để nuôi tôm bơm từ ngoài vào đều được diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh kỹ lưỡng trước khi xuống giống.
Thời tiết khắc nghiệt, nguồn nước ô nhiễm buộc người sản xuất phải chuyển đổi sang nuôi tôm công nghệ cao. Ảnh: thanhnien.vn
“Tôm thẻ chân trắng rất nhạy cảm nên việc áp dụng quy trình nuôi 3 giai đoạn sẽ giúp tôm đạt tỷ lệ sống khoảng 80%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt bình quân 65%. Đặc biệt, người nuôi có thể nuôi cuốn chiếu 2 – 3 vụ/năm nên hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi thông thường 40 – 50%”, anh Trọng chia sẻ.
Cũng theo anh Trọng, ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn là đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hóa chất; môi trường nuôi an toàn, ổn định; khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; giảm được rủi ro, tăng năng suất, chất lượng tôm.
Được biết, từ cuối năm 2021 đến nay, THT Nuôi trồng thủy sản sông Gon đã thu hoạch 2 lứa tôm, xuất ra thị trường gần 50 tấn. Với giá bán ổn định 150 - 155 nghìn đồng/kg, THT thu về hơn 7 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 1 tỷ đồng.
Đi đầu trong phong trào nuôi tôm công nghệ cao không thể không nhắc đến HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (huyện Nghi Xuân). Đây là đơn vị đã có hơn một thập kỷ “sống chết” cùng con tôm thẻ chân trắng.
Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi tôm thâm canh đạt hơn 1.000ha. Ảnh: chephamthongminh.com
Trước đây, HTX có 33 ao nuôi thì đều tổ chức thả cả 33 ao, nuôi ngoài trời, nguồn nước lấy trực tiếp từ biển, xử lý qua một vài ao lắng dẫn đến dịch bệnh nhiều, tôm thường bị sốc nước sau một trận mưa giông, các vụ nuôi thất bại nhiều hơn thành công.
Sau khi áp dụng công nghệ nuôi 3 giai đoạn, mỗi vụ HTX chỉ thả nuôi cuốn chiếu 5 ao nên tiết kiệm được chi phí điện, chế phẩm vi sinh, thức ăn... Riêng việc “nuôi nước” và môi trường, HTX sử dụng kết hợp 2 chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao và xử lý nước.
“Trước, trong hay sau mỗi vụ nuôi, chúng tôi đều vệ sinh ao và môi trường nước bằng chế phẩm vi sinh. Riêng giai đoạn nuôi ngày nào cũng phải “đánh” (dùng chế phẩm xử lý nguồn nước) để môi trường và nguồn nước ổn định", anh Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ.
Năm 2022, HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành nuôi thành công 2 vụ. Bình quân mỗi vụ lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Hiện đơn vị đang vệ sinh ao hồ chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Phấn đấu đến năm 2025 nuôi tôm thâm canh đạt hơn 1.000ha. Ảnh: smespeed.vn
Những năm gần đây, người nuôi tôm Hà Tĩnh tập trung chuyển hướng sang nuôi thâm canh, công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, diện tích nuôi thâm canh toàn tỉnh đạt hơn 1.000ha.
Riêng nuôi thâm canh, công nghệ cao trên ao đất vùng triều hiện đã có hơn 70 tổ chức, cá nhân thực hiện. Năng suất bình quân đạt 4 - 5 tấn/ha, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha. Điển hình cơ sở nuôi hiệu quả, năng suất từ 8 - 10 tấn/ha/vụ là: HTX Xuân Quý, xã Hộ Độ (TP Hà Tĩnh); anh Nhân, anh Ân, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà); anh Bộ, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh); anh Liêm, Thị trấn Thạch Hà...
Đối với vùng đất cát, toàn tỉnh có gần 100 tổ chức, cá nhân nuôi tôm đạt năng suất 6 - 8 tấn/ha, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha. Điển hình phải kể đến HTX Xuân Thành (huyện Nghi Xuân), năng suất 20 - 25 tấn/ha/vụ; Công ty Grobest (Thị xã Kỳ Anh) năng suất 10 - 15 tấn/ha/vụ (nuôi trong nhà kín đạt 40 - 45 tấn/ha/vụ)…