Tuy nhiên, một số hộ nuôi tôm siêu thâm canh chưa xử lý nguồn nước triệt để trước khi xả thải ra môi trường, gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước nuôi tôm.
Đến xã Long Điền và Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nơi đang có nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra” nhờ vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Với mật độ 300 con/m2, mỗi năm, nơi đây cung cấp đến hàng chục nghìn tấn tôm cho thị trường. Nhưng hệ quả của quá trình công nghiệp này là môi trường nước bị ô nhiễm gần như “chết lịm”.
Dọc các tuyến kênh bao quanh vùng nuôi, nước đục ngầu, đen ngòm và hôi thối do các ao xả thải trực tiếp. Mặc dù tình trạng này vi phạm quy định gây ô nhiễm môi trường và nếu bị phát hiện sẽ xử phạt, thậm chí áp dụng giải pháp mạnh là loại trừ ra khỏi vùng nuôi. Nhưng nhiều hộ vẫn bất chấp và cố tình xả lén.
Ông Nguyễn Văn Mão – ngụ tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải cho biết:“Chính quyền đã đến tuyên truyền và làm cam kết xử lí ô nhiễm môi trường nhưng mà người ta vẫn xả lén, bà con phát hiện cũng báo cấp trên. Mấy năm nay nước non không đủ cung cấp, nuôi tôm thất bát, làm chết tôm giống rất nhiều”.
Điều đáng nói, nước thải từ các ao tôm siêu thâm canh đã hủy hoại toàn bộ môi trường nước tự nhiên xung quanh vùng nuôi đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ nuôi tôm sinh thái. Các ao nuôi tự nhiên không có nguồn nước sạch để tái canh, còn các ao đang nuôi mỗi bận thay nước là tôm bệnh chết hàng loạt vì nguồn nước nhiễm độc.
Ông Nguyễn Hoàng Tín, ngụ xã Long Điền, huyện Đông Hải bức xúc vì càng nuôi tôm càng nghèo do nguồn nước thải này: “Mấy hộ nuôi lân cận mỗi lần thu hoạch tôm xong là cào sình trong ao đổ xuống kênh, anh em tôi hùng tiền vét kênh, mà vét được 1 khúc thôi chứ đâu nạo vét hết được. Chính quyền có can thiệp mà khi Chính quyền đi thì họ vẫn làm như thường”.
Nước bẩn xả thải từ ao tôm công nghệ cao ra kênh rạch. Ảnh: VOV
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có trên 140 nghìn hecta nuôi trồng thủy sản, trong đó có 21 nghìn hecta nuôi thâm canh và trên 5 nghìn hecta nuôi siêu thâm canh với 21 doanh nghiệp và 650 hộ cá nhâ. Lợi thế của mô hình siêu thâm canh là tôm lớn nhanh, năng suất và tỉ lệ thành công cao đã góp phần gia tăng sản lượng tôm cho ngành nuôi trồng.
Nghề nuôi tôm đã hình thành trăm năm ở Bạc Liêu, cung ứng ra thị trường 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 20% cả nước.
Tỉnh đang thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”, mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi thâm canh - bán thâm canh - siêu thâm canh tôm của toàn tỉnh đạt 35.900 hecta.
Bạc Liêu sẽ trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến.
Nước bẩn này là nguyên nhân gây ô nhiễm các kênh rạch quanh vùng nuôi, khiến các ao tôm sinh thái bị ảnh hưởng, thất thu năng suất hoặc tôm bị chết. Ảnh: VOV
Tuy nhiên, thách thức hiện hữu là phát triển mạnh lĩnh vực này thì tác động xấu đến môi trường. Ông Lê Tấn Cận – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng đinh, phát triển ngành tôm là 01 trong 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhưng địa phương nhưng tuyệt đối không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.
“Về môi trường là một vấn đề nan giải, biện pháp hiện nay là tỉnh có quy định về bảo vệ môi trường trong vùng quy hoạch nuôi tôm. Trước mắt là vận động mọi tổ chức – cá nhân nuôi tôm phải tuân thủ quy định bảo vệ môi trường vì nếu một hộ không tuân thủ sẽ gây ảnh hưởng cho tập thể xung quanh. Nếu cố tình vi phạm thì tỉnh sẽ xử lý nghiêm”, ông Lê Tấn Cận nói.
UBND các huyện, thị xã, thành phố là đơn vị được giao nhiệm vụ theo dõi sát tình hình xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết ngăn chặn hộ nuôi phát triển mô hình nuôi siêu thâm canh có diện tích dưới 01 hecta, hệ thống chứa, xử lý nước thải không đảm bảo.
Đồng thời kiểm tra dự án có quy mô dưới 50 hecta có phát sinh nước thải, bắt buộc các hộ nuôi tôm lập hồ sơ thủ tục cấp giấy phép môi trường gửi UBND cấp huyện thẩm định cấp phép.
Công tác kiểm soát quyết liệt vấn đề môi trường là giải pháp tránh để vướng vào sự cố ô nhiễm. Khi đó công việc khắc phục, xử lý phải tốn rất nhiều tiền mà mất cả chục năm.