Hiện trạng
Những tồn tại khó giải quyết trong nuôi tôm hùm thương phẩm là mô hình phụ thuộc vào thức ăn tươi là loại có chất lượng nhưng không ổn định, điều kiện biến động bất thường của thời tiết dẫn đến bùng phát dịch bệnh như đen mang, sữa, bạc vỏ,.... làm tôm chết hàng loạt. Sản lượng tôm hùm nuôi không ổn định dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, được mùa mùa mất giá. Hơn nữa, tình trạng lạm dụng kháng sinh phòng, trị bệnh cho tôm trên nền thức ăn tươi đang tạo rào cản trong việc chứng nhận nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các vấn đề kể trên tác động qua lại, gây hậu quả nghiêm trọng khiến nhiều hộ nuôi thu lỗ, thậm chí trên con đường phá sản.
Giải pháp thay thế của RAS
Nuôi tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong RAS là hướng đi phù hợp vì chủ động tạo được sản phẩm sạch, đầu tư cơ sở vật chất hợp lý, giảm thiểu rủi ro trên cơ sở ứng dụng các công nghệ mới.
Đầu tư cơ sở vật chất đơn giản, hợp lý
RAS nuôi được các đối tượng thủy sản trên thế giới, các thành phần gồm bể nuôi, trống lọc chất thải, máy tách bọt, máy khử nitrate, bể lọc sinh học có các hạt lọc chuyên dùng, máy bơm tuần hoàn, đèn UV khả trùng, máy sục oxy nguyên chất, máy đo các chỉ tiêu môi trường, máy phát điện dự phòng. RAS do Viện Nghiên cứu NTTS III thiết kế nuôi thương phẩm tôm hùm gồm bể nuôi, bể lắng chất thải, máy bơm, bể lọc sinh học, đèn UV khử trùng, máy bơm, bể lọc sinh học, máy thổi khí, thiết bị đo môi trường, máy phát điện dự phòng. Đơn giản hóa RAS giúp tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và năng lượng vận hành. Để sản xuất 1 tấn tôm hùm cần 1.000 kg/5kg/m2 = 200 m2 bể nuôi.
RAS nuôi được các đối tượng thủy sản trên thế giới
Bể nuôi tôm hùm cần độ sâu 0,5 - 0,8 m. Bể lọc sinh học thể tích 10 – 12 m3 dựa trên xác hạt san hô cành và đá cuội nên giá thành thấp hơn so với hạt chuyên dùng của nước ngoài. Bể lắng vật liệu xi măng, đường kính 4 - 5 m. RAS được khấu hao 20%/vụ nuôi. Chi phí điện cho máy bơm tuần hoàn là 30 - 35 m3/h, máy thổi khí để nuôi được 1 tấn tôm hùm bông đã tính toàn là 18 tháng x 3 triệu/tháng = 54 triệu/vụ nuôi. RAS được bố trí trong hệ thống nhà bao che 400 m2, ổn nhiệt cho phép duy trì các yếu tố môi trường ổn định trong suốt quá trình nuôi không lệ thuộc vào mùa vụ hoặc mưa, gió; đồng thời chủ động giám sát tài sản hiệu quả. Lưu ý, nuôi dưỡng các dòng Nitrosomonas và Nitrobacter trong bể lọc sinh học đồng thời điều tiết pH và độ kiểm trong RAS.
Giảm thiểu rủi ro trên cơ sở quản lý RAS hiệu quả
Nguồn tôm hùm giống được nuôi dưỡng phòng bệnh, sàng lọc, làm quen với viên thức ăn công nghiệp trước khi được tuyển chọn theo quy trình và đưa vào RAS. Nguồn nước biển trước khi cấp vào RAS, được xử lý khử trùng và được tái sử dụng thường xuyên nhờ hệ thống lọc sinh học và các sinh vật có lợi.
Quản lý RAS trên cơ sở khai thác các dòng vi khuẩn xử lý các hợp chất nitơ, các dòng vi khuẩn có khả năng kháng tác nhân gây bệnh qua đó duy trình môi trường phù hợp, hạn chế dịch bệnh mà hạn chế tối đa dùng kháng sinh. Thức ăn viên khô, được sản xuất trong nước theo quy trình chuẩn từ các nguyên liệu nội địa sẵn có là yếu tố cốt lõi sau cùng đảm bảo môi trường và mầm bệnh giúp giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi.
Tôm hùm nuôi trong RAS bằng 100% thức ăn viên phát triển đồng đều
Lợi thế cạnh tranh
RAS do RIA 3 thiết kế chuyên nuôi tôm hùm có một số lợi thế cạnh tranh. Đầu tư cơ sở sản xuất trên cạn trong vùng quy hoạch, áp dụng quy trình nuôi ít rủi ro, trên nền thức ăn công nghiệp là đáp ứng đủ các tiêu chí để truy uất nguồn gốc, chứng minh sản phẩm sạch. RAS tái sử dụng nước giúp bảo vệ tài nguyên biển. Đây là những lợi thế để thuyết phục được các nhà phân phối và người tiêu dùng khó tính. RAS thiết kế đơn giản trên nền bãi ngang ven biển nắng gió sẽ giảm thiểu đầu tư về mặt bằng. Các thiết bị trong RAS, thức ăn viên được sản xuất trong nước tạo thế chủ động không lệ thuộc vào nguồn thức ăn nhập ngoại.
Thực tiễn và tiềm năng
Kết quả ứng dụng mô hình tại Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên) cho thấy, tôm hùm nuôi trong RAS bằng 100% thức ăn viên phát triển đồng đều, có màu sắc vỏ như như tôm tự nhiên, đạt tỷ lệ sống cao hơn nhưng còn chậm lớn hơn so với tôm hùm nuôi bằng 100% thức ăn tươi đối chứng. Bổ sung thức ăn tươi vào khẩu phần thức ăn viên đã đem lại kết quả tốt nhất, là giải pháp để từng bước đưa mô hình vào sản xuất hàng hóa. Cần tiếp tục nghiên cứu nâng cao chất lượng viên thức ăn để sản xuất thương mại tôm hùm bằng các hình khác nhau mà không sử dụng thức ăn tươi.