Đổi đời nhờ tôm hùm
Về các xã: Xuân Thịnh, Xuân Phương, Xuân Cảnh... thuộc thị xã Sông Cầu, trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà kiên cố, khang trang thay thế cho những căn nhà cấp 4 tạm bợ trước đây. Đi trên đường đâu đâu cũng gặp những chiếc lồng tôm, sẵn sàng đón mùa vụ mới. Đang mải mê với chiếc lồng sắt cỡ lớn, thấy chúng tôi tới thăm, ông Huỳnh Ngọc Hóa, thôn Vĩnh Hòa, xã Xuân Thịnh niềm nở mời khách vào nhà. Căn nhà của gia đình ông Hóa ước trị giá hàng tỷ đồng. Ông Hóa cho biết: “Có được căn nhà này đều nhờ con tôm hùm cả đấy. Trước đây, nhà cửa của vợ chồng tôi lụp xụp lắm”. Theo ông Hóa, để nuôi được tôm hùm thành công trước hết phải có kinh nghiệm và kỹ năng lặn biển. Bởi người nuôi tôm hùm phải thường xuyên lặn xuống độ sâu 6-8m nước vừa để cho tôm ăn, vừa kiểm tra. Bên cạnh đó phải đầu tư nuôi lớn, chấp nhận tỷ lệ rủi ro nhất định...
Chúng tôi tìm đến Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu. Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng Phòng Kinh tế cho hay: “Con tôm hùm là chủ lực phát triển kinh tế địa phương, giúp đổi đời cho nhiều gia đình. Sản lượng tôm tùm của Sông Cầu luôn đứng đầu cả nước, chất lượng thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng". Theo số liệu thống kê, tính đến hết quý I-2019, thị xã Sông Cầu có 67.290 lồng tôm thịt và 9.849 lồng nuôi tôm ươm. Trong 6 tháng đầu năm 2019, người nuôi tôm hùm lồng ở Sông Cầu đã xuất bán khoảng 400 tấn tôm hùm thương phẩm. Tổng sản lượng tôm hùm hằng năm của Sông Cầu là hơn 1.200 tấn.
Chưa bền vững, mất an toàn
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được về kinh tế thì việc nuôi tôm hùm tại các địa phương ở thị xã Sông Cầu cũng còn tiềm ẩn những vấn đề về tính bền vững. Tại thôn Vĩnh Hòa, xã Xuân Thịnh, chúng tôi thấy bờ biển ngập đầy rác, rác do sóng cuốn vào, rác từ người dân xả thải ra. Cách đó không xa là vị trí đặt những lồng nuôi tôm hùm của người dân. Tình trạng ô nhiễm ở thôn Vĩnh Hòa từng gây thiệt hại cho bà con, khi tôm chết hàng loạt, ngư dân trắng tay. Được biết, UBND thị xã Sông Cầu giao Phòng Kinh tế, UBND các xã, phường ven biển thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nuôi thả thủy sản thực hiện đúng quy hoạch, các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-NN&PTNT), các hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh; định kỳ thay và vệ sinh sạch lồng nuôi, không để lưới bẩn... nhưng hiệu quả còn hạn chế.
Thêm nữa, theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2015, định hướng đến năm 2030, thị xã Sông Cầu có hai vùng nuôi thủy sản lồng bè tập trung là: Vùng nuôi lồng bè vịnh Xuân Đài và vùng nuôi lồng bè đầm Cù Mông. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các vùng nuôi thả lồng bè trong toàn thị xã không tuân theo quy hoạch. Diện tích và số lồng nuôi vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch. Ngoài nỗi lo về môi trường, phá vỡ quy hoạch dẫn đến tôm chết, thiệt hại lớn cho người dân là nỗi lo về an toàn lao động trong việc nuôi thả tôm hùm. Trò chuyện với những ngư dân ở Xuân Thịnh chúng tôi thêm hiểu sự hiểm nguy, cơ cực trong nghề nuôi tôm hùm. Để con tôm hùm phát triển, người dân phải nuôi tôm dưới độ sâu từ 7 đến 8m nước, thức ăn cho tôm hoàn toàn là hải sản tự nhiên. Thế nhưng ở Xuân Thịnh hầu hết ngư dân đều lặn thủ công, không có trang bị, máy móc hỗ trợ. Vào mùa mưa nước lạnh, vậy mà lao động vẫn phải lặn xuống tận nơi để cho tôm ăn, vệ sinh lồng bè. Đã có không ít rủi ro từ công việc này.
Để tránh rủi ro cho các hộ nuôi tôm hùm, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt công tác kiểm dịch, quản lý chất lượng giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh thủy sản nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, giám sát sự biến động của các hệ sinh thái và chất lượng môi trường nuôi trồng thủy sản để có thông tin cảnh báo kịp thời. Song hiện nay, công tác bảo đảm an toàn cho lao động lặn biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức, trang thiết bị lặn biển hiện đại không được ngư dân đầu tư mua sắm. Đây là vấn đề cần được các cơ quan chức năng quan tâm định hướng, có giải pháp và kiểm tra việc thực hiện ở các địa phương.