Đặc biệt chú trọng nâng cao năng suất và sản lượng vùng nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến (QC-QCCT) tại ĐBSCLvới mức tăng 20% so với năm 2015; Năng suất tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh (TC-BTC) cần tăng 8-10% so với năm 2015. Kết hợp nâng cao năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại với phát triển thị trường tiêu thụ để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững.
Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả nuôi tôm nước lợ năm 2016, góp phần đảm bảo tăng trưởng của ngành nông nghiệp và các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, xã hội. Phấn đấu mức chỉ tiêu diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2016 đạt 683.422 ha, sản lượng đạt 680.000 tấn. Cụ thể: Diện tích thả nuôi nước lợ năm 2016 là 683.422 ha, trong đó: diện tích nuôi tôm sú QC, QCCT là 564.078 ha; diện tích tôm sú TC, BTC là 39.344 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 80.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ nuôi năm 2016 là 680.000 tấn, trong đó: sản lượng tôm sú nuôi QC, QCCT là 206.106 tấn. Sản lượng tôm sú nuôi TC, BTC là 79.759 tấn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng là 394.135 tấn.
Trong đó, tính chung 6 tháng đầu năm 2016, tổng diện tích thả nuôi đạt 619.126 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú TC-BTC là 13.600 ha; diện tích nuôi tôm sú QC-QCCT là 561.780 ha; diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng TC-BTC là 43.740 ha. Sản lượng tôm nuôi là 191.560 tấn, bằng 28% kế hoạch năm 2016, trong đó sản lượng tôm sú nuôi là 112.462 tấn và tôm thẻ chân trắng là 79.098 tấn.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch nuôi tôm nước lợ trong 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra giải pháp cụ thể về tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất là: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương phối hợp triển khai thực hiện, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ; Cử các Tổ công tác thường trực tại địa bàn, phối hợp với địa phương tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý các vướng mắc; Xây dựng chương trình phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, kiểm soát dịch bệnh, kịp thời xử lý các ổ dịch (nếu có) để hạn chế rủi ro; Tăng cường quan trắc môi trường và dịch bệnh tại các vùng nuôi tập trung. Tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chất lượng tôm giống.
Đồng thời, tổ chức Hội nghị bàn giải pháp quản lý, nâng cao chất lượng giống; cân đối cung cầu tôm giống, chủ động giải pháp đảm bảo đủ giống tôm có chất lượng cho sản xuất; Tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư thủy sản (thuốc, hóa chất, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản), xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm để đảm bảo hiệu quả sản xuất; Tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra khâu thu mua chế biến, bảo quản, lưu thông sản phẩm tôm, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bơm tạp chất, chất cấm vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.
Về giải pháp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật: Khảo sát, đánh giá, tổng kết các mô hình nuôi tôm hiệu quả, các tiến bộ kỹ thuật để xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, đặc biệt là kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến; Xây dựng mô hình trình diễn và tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, khuyến ngư cho cán bộ địa phương và người nuôi tôm; Xây dựng chương trình tuyên truyền phổ biến kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng (các clip để phát sóng, các tờ rơi, tài liệu kỹ thuật).
Về giải pháp tổ chức lại sản xuất: Phát triển mạnh mẽ các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm nước lợ (hướng dẫn, giới thiệu, xây dựng mô hình trình diễn); Cung cấp các thông tin về thị trường, sản phẩm, các đầu mối tiêu thụ, cung ứng dịch vụ hữu ích cho người sản xuất, doanh nghiệp, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Về giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc: Phối hợp với VASEP thực hiện các giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm. Đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu và thị trường; Tổ chức đoàn công tác làm việc với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tôm để tìm hiểu những khó khăn vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Về giải pháp đề xuất, triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp: Đề xuất Chính phủ, chính quyền các địa phương triển khai một số chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và người nuôi khi gặp khó khăn về vốn (khoanh nợ, giãn lợ, cho vay ưu đãi); Đề xuất Chính phủ và Ngân hàng nhà nước tiếp tục thực hiện chương trình bảo hiểm đối với con tôm.
Về phân công thực hiện kế hoạch này, Bộ Nông nghiệp và PTNT giao Tổng cục Thủy sản chủ trì phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức triển khai Kế hoạch này và định kỳ báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, địa phương và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ và quyền hạn, điều chỉnh kế hoạch năm 2016 để tổ chức triển khai các nội dung có liên quan tại Kế hoạch này.
Các Viện Nghiên cứu NTTS 1, 2, 3, Viện Nghiên cứu Hải sản, Ban quản lý Dự án CRSD chủ động đề xuất nhiệm vụ, cung cấp các tiến bộ khoa học, các giải pháp kỹ thuật mới về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, phổ biến.
Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh ven biển căn cứ Kế hoạch hành động này xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.