Trong 2 năm 2014, 2015 mô hình nuôi tôm VietGAP triển khai ở 12 tỉnh, thành với diện tích 40 ha, 120 hộ tham gia nhưng không hộ nào có tôm bị dịch bệnh, lợi nhuận thu được bình quân 800 triệu đ/ha/vụ.
Năm 2015, mặc dù nắng nóng, độ mặn cao, dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, nhưng do áp dụng đúng quy phạm VietGAP, mật độ thả 80 con/m2, cỡ giống P12 nên tỷ lệ sống của tôm rất cao, bình quân 80%.
Các hộ đã thu hoạch tôm nuôi 90 ngày đạt cỡ 60 con/kg, năng suất trung bình 10,6 tấn/ha. Mặc dù năm nay giá bán tôm xuống thấp hơn năm ngoái 25-30%, nhưng người nuôi vẫn có lãi trung bình 600 triệu đ/ha/vụ, hầu hết mô hình khi đánh giá tiêu chí VietGAP đạt thấp nhất 80% .
Vừa qua, Tổng cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã kiểm tra 10 hộ tham gia nuôi tôm VietGAP tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) và huyện Giao Thủy (Nam Định). Điều thú vị là cả 10 hộ tham gia mô hình đều không có tôm bị dịch bệnh, thời gian nuôi 76 ngày, có hộ đã thu hoạch đạt trên 10 tấn/ha, cỡ tôm đạt trung bình 60 con/kg, được thương lái đặt mua với giá 130.000 đ/kg.
Tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái (Quảng Ninh) có 4 hộ xây dựng mô hình nuôi tôm VietGAP đều không bị dịch bệnh, dù thả giống đúng lúc cả vùng bị dịch. Hiện đã có có hộ xuất bán tôm thương phẩm.
Trong quá trình nuôi, không hộ nào sử dụng kháng sinh, hóa chất, chỉ dùng chế phẩm sinh học để xử lý màu nước. Theo các hộ tham gia mô hình tại Giao Thủy, sau 56 ngày tôm đạt 130 con/kg, trong khi tôm ngoài mô hình là 160 con/kg.
Từ kết quả trên cho thấy nuôi tôm VietGAP đã hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro và mang lại hiệu quả cao.