Còn khó khăn
Theo Sở NN-PTNT, năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh khoảng 2.620ha, trong đó tôm thẻ chân trắng và tôm sú khoảng 2.030ha, còn lại là các loài thủy sản khác. Đối với thủy sản nuôi lồng, có khoảng 31.200 lồng nuôi tôm hùm và khoảng 3.100 lồng nuôi các loại cá biển, tập trung chủ yếu ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu. Sản lượng các đối tượng thủy sản nuôi chủ lực đạt khá, trong đó khoảng 6.500 tấn tôm thẻ chân trắng, 650 tấn tôm hùm và khoảng 1.510 tấn ốc hương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy môi trường nhiều vùng nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng ngày càng xấu, tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản diễn biến phức tạp, bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng vẫn chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả, bệnh sữa trên tôm hùm vẫn còn xảy ra, bệnh lở loét trên cá biển nuôi cũng khá phổ biến. Vấn đề xảy ra dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi có liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, diễn biến phức tạp của thời tiết, trình độ thâm canh, ô nhiễm vùng nuôi, đặc biệt là nhiều vùng nuôi chưa được quy hoạch bài bản…
Ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch khá phức tạp. Để vùng nuôi này ổn định hơn, nhất thiết phải quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, do vùng nuôi rộng, trong khi kinh phí của địa phương có hạn nên chưa quy hoạch vùng nuôi này một cách bài bản. Còn theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, mặc dù một số vùng nuôi tôm hùm trên địa bàn đã được quy hoạch, nhưng vấn đề quản lý vùng nuôi chưa tốt nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Hễ vùng nào năm trước nuôi đạt thì năm sau người nuôi kéo bè, lồng nuôi đến khu vực đó làm cho vùng nuôi quá tải dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, việc giao đất, mặt nước cho hộ gia đình nuôi thủy sản thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Tuy nhiên, do nhiều vùng nuôi tập trung chưa được quy hoạch chi tiết nên việc giao đất, mặt nước cho hộ gia đình nuôi thủy sản chưa phù hợp với hạn mức theo quy định mà chủ yếu theo nhu cầu của người dân. Trên thực tế, ở Phú Yên có khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia nuôi trồng thủy sản nhưng phần lớn chưa được giao đất, mặt nước ổn định lâu dài nên vấn đề đầu tư thâm canh cũng có phần hạn chế. Mặt khác, do việc nuôi trồng thủy sản còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu quy hoạch và chưa được đầu tư hạ tầng thích hợp nên một số vùng nuôi xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Một số doanh nghiệp thuê đất, mặt nước ven bờ để nuôi thủy sản thường có nhu cầu diện tích lớn, nhưng theo quy định của Luật Thủy sản thì cho thuê không quá 30ha đối với mỗi dự án trong vùng biển dưới 3 hải lý nên chưa thu hút được các nhà đầu tư nuôi thủy sản quy mô lớn.
Cần sự hỗ trợ
Ông Nguyễn Tri Phương cho biết: Theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ khoảng 3.650ha. Trong đó, vùng nuôi thủy sản nước lợ ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa) hơn 945ha; khu vực đầm Ô Loan và vùng biển xã An Hải (huyện Tuy An) khoảng 1.030ha; khu vực đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) khoảng 1.680ha. Ngoài ra, Phú Yên còn có tiềm năng để phát triển nghề nuôi thủy sản các vùng biển mở ngoài 3 hải lý, trong quy hoạch có khoảng 650ha nhưng thực tế có thể đáp ứng cho hàng chục ngàn hécta. Tuy nhiên, Phú Yên là tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư phát triển thủy sản chủ yếu dựa vào các nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA. Hiện nay, con giống nhân tạo của một số đối tượng hải đặc sản như tôm hùm, sò huyết… còn phụ thuộc vào tự nhiên nên không chủ động được con giống, thời gian nuôi. Công tác quy hoạch chi tiết tại các vùng nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh còn chậm, các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại một số địa phương đang có sự chồng lấn lên quy hoạch nuôi trồng thủy sản. Hiện người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa mạnh dạn đầu tư vì lo ngại tính pháp lý tại điểm đầu tư, làm hạn chế việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng quy phạm VietGAP. Một bộ phận người nuôi và doanh nghiệp chưa ý thức và trách nhiệm trong việc mua bán, sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm nên vùng nuôi không bảo đảm, công tác quản lý gặp khó khăn…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, Phú Yên đã kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Thủy sản sửa đổi và ban hành đồng bộ các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện để quản lý các hoạt động thủy sản hiệu quả và bền vững hơn. Các bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học cũng cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản. Năm 2016 và đầu năm 2017, thiên tai đã làm thiệt hại ở Phú Yên hơn 600 tỉ đồng, trong đó phần lớn thiệt hại đối với các hộ nuôi trồng thủy sản. Tỉnh cũng đã kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Các vùng nuôi thủy sản ở Phú Yên đa số chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng như hệ thống thủy lợi cấp nước, xử lý nước, đường giao thông nội vùng, điện… nên rất khó áp dụng VietGAP hoặc các mô hình nuôi trồng hiệu quả. Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư giai đoạn 2016-2020 đối với Phú Yên khoảng 200 tỉ đồng cho dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Trần Văn Minh cho rằng ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản là một thế mạnh của Phú Yên. Tuy nhiên, công tác quy hoạch vẫn còn chồng chéo, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến đánh bắt, nuôi trồng thủy sản chưa thực sự hiệu quả. Phú Yên cần quy hoạch lại và xây dựng một chiến lược phát triển thủy sản theo hướng bền vững.