Ngao thương phẩm được nuôi hình thức xoay vòng, thời gian nuôi kéo dài trên 1 năm. Để lúc nào cũng có ngao thu hoạch, trên diện tích 1 ha, người nuôi sẽ chia ra các vùng riêng biệt để thả nuôi. Thời điểm thả giống thích hợp nhất bắt đầu từ tháng 3 - 4 dương lịch, sau 1 năm nuôi, người dân thu hoạch và tiếp tục thả giống.
Với hơn 14 năm gắn bó với biển, ông Đồng Như Nguyên ở xã Sơn Hải là một trong nhiều hộ khá giả nhất trong vùng nhờ phát triển nghề nuôi ngao.
Ông Nguyên cho biết, hiện giờ thủy triều đang xuống thấp nên các hộ dân tại vùng bãi triều xã Quỳnh Thọ đang tập trung thu hoạch ngao. Gia đình ông thuê 5 công nhân ra bãi để cào ngao; cứ 1 giờ làm, công nhân được nhận 15.000 đồng tiền công; khi ngao đã nhiều, thương lái sẽ về tận nơi để thu mua.
“Từ nay đến hết tháng 5 dương lịch, gia đình sẽ thu hoạch xong khoảng hơn 1 ha diện tích ngao vụ chiêm còn lại của năm 2017 với tổng sản lượng cả năm khoảng 60 tấn; sau khi trừ tiền giống, gia đình thu lãi khoảng trên 300 triệu đồng”, ông Nguyên chia sẻ.
Gia đình ông Đồng Như Nguyên ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) thu hoạch hơn 60 tấn ngao thương phẩm, thu lãi trên 300 triệu đồng. Ảnh: Việt Hùng
Năm 2017, thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện tốt cho ngao sinh trưởng và phát triển, do đó tỷ lệ ngao chết giảm đáng kể so với những năm trước.
Theo anh Hồ Minh Huỳnh, một hộ nuôi ngao tại xã Quỳnh Thọ, bình quân 1 ha ngao cho năng suất 50 tấn, cao hơn các năm trước từ 10 -15 tấn/ha.
“Năm nay, các hộ nuôi ngao đều được mùa, tỷ lệ thất thoát chỉ mức 10%, thu hoạch đến đâu đều có thương lái thu mua đến đó với giá 13.000 đồng/kg. Nhờ có đầu ra thuận lợi, bình quân mỗi hộ nuôi đều thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm; có những hộ nuôi hàng chục ha ngao như anh Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải vụ này thắng lớn”, anh Huỳnh cho biết.
Ngao được nuôi thâm canh với thời gian nuôi từ 1 - 2 năm (tùy vào kích cỡ con giống). Hiện giá thu mua tại bến là 13.000 đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Toàn huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng 140 ha diện tích nuôi ngao, tập trung nuôi ở dọc bãi triều các xã Quỳnh Thọ, Sơn Hải, Quỳnh Thuận, An Hòa... Nghề nuôi ngao ở bãi triều được người dân nuôi theo hình thức thâm canh. Sản lượng ngao hàng năm đạt từ 2.800 - 3.000 tấn/năm; doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng. Ngao thương phẩm trên thị trường hiện có giá bán từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Là loại hải sản sạch được khách hàng ưa chuộng nên hiện nay ngao biển Quỳnh Lưu được tiêu thụ rộng rãi khắp cả nước.
Anh Nguyễn Văn Hưng - một thương lái thu mua ngao cho biết, Quỳnh Lưu là vùng nuôi ngao lớn, được thu mua đi tiêu thụ khắp nơi. Sau Tết đến nay, anh Hưng liên tục gọi điện cho các hộ nuôi thu mua từ 5 tạ - 1 tấn ngao rồi đưa về các điểm chợ ở huyện Diễn Châu để bán sỉ, lẻ. Không riêng anh Hưng, nhiều thương lái khác cũng về bãi triều để tìm mua ngao, nhất là trong mùa du lịch.
Thương lái từ khắp nơi về các bãi triều huyện Quỳnh Lưu để thu mua ngao biển. Ảnh: Việt Hùng
Không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều nhà máy chế biến thủy hải sản ở Thanh Hóa, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... thu mua để chế biến, đóng gói bằng công nghệ hút chân không rồi xuất khẩu sang nước ngoài như Lào, Hàn Quốc.