Lý do ốc gạo Quảng Nam tăng giá chóng mặt
Ốc gạo - loại ốc nhỏ nhưng có hương vị béo ngọt đặc trưng, thường xuất hiện vào tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, giai đoạn sau Tết Nguyên Đán đến hết tháng 3 âm lịch mới là lúc ốc gạo to, béo và ngon nhất.
Theo người dân Quảng Nam, năm nay biển động làm sản lượng ốc gạo giảm đầu vào mùa. Hơn nữa, ốc non bị khai thác nhiều để bán cho các trại nuôi tôm hùm, dẫn đến việc ốc lớn trở nên khan hiếm.
Ốc gạo được giá nhưng sản lượng lại ít hơn mọi năm. Ảnh: congan.com.vn
Hiện tại, giá ốc sống giao động từ 60.000 - 70.000 đồng/lon, trong khi ốc đã chín có thể lên đến 80.000 đồng/lon. Với giá này, mỗi lon ốc lễ đã tương đương hai tô phở, nhưng vẫn được nhiều người đào mua.
Nghề cào ốc gạo: Cực nhọc mà vui
Mỗi ngày, từ tờ mờ sáng, nhiều ngư dân đã ra bờ biển Quảng Nam với hy vọng cào được một mùa ốc bội thu. Cào ốc gạo cần sự kiên nhẫn, sức khỏe tốt và kinh nghiệm nhìn con nước. Mỗi người dân sử dụng dụng cụ cào phù hợp với độ sâu của nước biển: cào bằng tre cho nước cạn, cào bằng kim loại cho nước sâu.
Nhịp sống cào ốc khá khắc nghiệt. Mỗi người thường ngâm mình trong biển lạnh từ 3 giờ sáng đến 9 giờ sáng. Dù khó khăn, nhiều người vẫn bám nghề vì ốc được giá, có ngày thu nhập đạt 700.000 - 1 triệu đồng.
Món ăn quen thuộc của người dân Quảng Nam. Ảnh: mia.vn
Món ăn quen thuộc của người miền Trung
Ốc gạo không chỉ là một món ăn, mà còn là một phần trong nếp đời sống của người dân miền Trung. Những buổi tối tụm năm tụm bảy lể ốc, chấm mắm gừng ớt và tâm sự cùng bạn bè đã trở thành khoảnh khắc khó quên.
Ốc gạo chế biến đơn giản nhưng mang hương vị đậm đà. Ngâm ốc để rửa cát, nấu với sả, lá chanh, trộn cùng gừng, ớt, mắm để tạo thành một món ăn thơm ngon. Hương vị này đã thấm vào ký ức của bao người con xa xứ.