Ông “vua Cò” trên rừng ngập mặn
Men theo con đường mòn nhỏ, gập ghềnh đầy khói bụi với vô số ổ gà, ổ voi, tôi chạy qua cánh đồng lúa chín vàng để tìm đến khu rừng đước ngập mặn tự nhiên hiếm hoi rộng 4ha cách trung tâm thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) gần bốn cây số về phía Tây. Để gặp được ông Nguyễn Văn Hưng (52 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang), chủ nhân của đàn cò, vạc, trao trảo, sáo sành, chim sẻ, bồ câu..., tôi phải đợi đến ngày thứ hai. Bởi, ông vẫn miệt mài đi sớm về khuya, làm lụng vất vả như bao nhiêu người nông dân khác, trên chính mảnh đất nhiều sản vật này.
“Tôi không thể tưởng tượng được, một ngày nào đó không nhìn thấy đàn chim, không nghe tiếng kêu của chúng thì mình sẽ sống thế nào”, ông Hưng tâm sự. Vốn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Vĩnh Thái, ông chứng kiến những thăng trầm của lịch sử và khó khăn của con người và vùng đất nghèo này. Từ những năm 1950, ông nội của ông Hưng đã đặt chân đến mảnh đất hoang vu để khai khẩn nuôi sống gia đình. Mảnh đất phải khai hoang bằng máu và nước mắt ấy được ông nội chắt chiu, gìn giữ để cho con cháu làm kế sinh nhai.
Ký ức tuổi thơ của ông Hưng là bạt ngàn cánh rừng đước miên man, kéo dài đến tận chân núi. Ngày còn sống với ông nội, ông Hưng may mắn được nhìn thấy muôn vàn loài chim chóc hội tụ tại đây, sau một ngày dài đi tìm kiếm thức ăn. Ông đã thầm ước ao và nguyện sẽ tiếp tục giữ lại nó khi ông lớn lên với mọi giá. Ước mơ của ông không trọn vẹn khi cha ông đã bán đi một ít đất trong tổng số diện tích 18ha rừng đước của ông nội để lại, để trang trải cho cuộc sống. Quỹ đất còn lại, cha ông cũng lần lượt chia cho bảy anh em ông.
Theo thời gian, những khu rừng đước xung quanh đã được bà con khai thác, phá bỏ sạch và thay vào đó là các mô hình nuôi tôm cá, các loại hải sản khác để thay đổi kinh tế, làm giàu để phù hợp với thời đại. Riêng ông Hưng vẫn trung thành với niềm đam mê chim trời. Ông cười nói: “Tôi không cần giàu như người ta, chỉ cần nhìn đàn chim hàng ngày bay về đây và nghe tiếng kêu của chúng là được rồi”. Ông không sử dụng ao hồ thâm canh để nuôi trồng như mọi người. Thay vào đó, ông làm điều ngược lại là đi mua tôm, cua, cá về thả để vừa làm thức ăn cho chim...
Không giàu có như bao người, nhưng ông Hưng đang “sở hữu” hàng ngàn con chim trời mà không phải ai muốn có cũng được. Qua nhiều năm sống chung với nhiều loài chim, ông đã thành thuộc tập quán, cách sống của các loài khác nhau. Ông cũng luôn tìm hiểu sách vở để lý giải cho hiện tượng, có những thời điểm, một số loài chim chỉ còn lưa thưa, có lúc rất ít... “Lũ cò xanh sống ở đây quanh năm, mùa hè chúng mới bắt đầu đẻ trứng. Thứ cò này làm tổ sơ sài, đơn giản lắm, chỉ cần bẻ một số cọng cây, gác lên trên các chạc đước rồi đẻ trứng. Còn lũ cò trắng thì ở đây phải hơn 3.000 con, nhưng ba tháng hè, chúng di cư đi đâu đấy, trong rừng chỉ còn vài trăm con. Sáo sành mùa đông mới về nhiều, những mùa khác chúng không thích ở đây...”.
Các loài chim ở đây hầu hết cũng đã gắn bó lâu năm, rất đỗi quen thuộc, gần gũi với con người nên khách ra vào nhà ông thường xuyên, những loài chim này vẫn đứng yên, không muốn bay đi như ở những nơi khác mà ta thường gặp. Vào mùa đông, khu rừng đước của nhà ông có phần nhộn nhịp, ồn ào hơn khi nhiều loài chim về đây sinh nở...
Cuộc chiến chống lại những “thợ săn”
Đều đặn hàng ngày, khi trời nhá nhem cũng là lúc hàng ngàn con chim, cò ùa về chao lượn, bay rợp cả khu rừng đước. Thi thoảng, vài con vạc bắt đầu rời tổ đi kiếm ăn. Không gian đặc quánh một âm thanh ầm ào với nhiều tiếng chim kêu hòa lẫn vào nhau. Trong túp lều nhỏ được dựng trên dòng nước trong xanh, người đàn ông này vui cười nhìn về phía rừng đước khi hàng ngàn cánh chim bay về trú ẩn. Vài chục năm trở lại đây, những khu rừng đước tại Nha Trang và một số vùng quê lân cận dần dần biến mất. Bầy chim trời ồn ào kéo về đây tụ tập, trú ngụ. Hiện tại, khu rừng của ông Hưng đã có hơn 14 loài sinh sống với hơn 3.000 con, đa phần khi mặt trời mọc, chúng nó nối tiếp kéo nhau từng đàn đi ăn và trở về khi trời đã tối.
Theo mái chèo của anh Tân (cháu của ông Hưng – PV), tôi được tận mắt chứng kiến rừng đước chằng chịt, với nhiều tổ chim, trứng chim, đặc biệt có rất nhiều loài chim khá lạ... “Không ngờ, ngay sát TP.Nha Trang tấp nập người xe mà lại có một rừng đước còn nguyên sơ được gìn giữ hàng chục năm với nhiều thế hệ và là nơi sinh sống của hàng ngàn con chim, cò như thế này. Đúng là điều rất độc đáo, thú vị”, anh Nguyễn Thành Vinh - một du khách thường xuyên ghé thăm rừng đước chia sẻ.
Để có được cánh rừng với vô vàn chim trời, mấy ai biết rằng, ông Hưng đã vất vả như thế nào. Khi trời tối, bầy chim đã về, ông vẫn riêng mình một nỗi lo đau đáu không biết chia sẻ cùng ai. Bởi về đêm, nơi đây có nhiều người lại dòm ngó, vác súng và đèn pin để vào rừng đước bắn chim, cò... Nhiều lần, ông Hưng đụng độ với thợ săn, đánh nhau cũng có, đôi lúc cãi cọ phần hơn thiệt để họ hiểu và tránh xa rừng chim cũng nhiều. Cánh thợ săn thì cho rằng “chim trời không phải của riêng ai”, ông thì cãi lại “rừng đước này của tui, cái gì nằm trên đầm này cũng là của tui”, “nhiều khi dọa đến báo công an, chúng mới đi”.
Cũng may, nhiều người trong gia đình hiểu và đồng cảm với niềm đam mê của ông trong việc giữ gìn, đảm bảo an toàn cho bầy chim nên cùng nhau san sẻ khó khăn. Nhờ vậy, ông có người thay phiên những lúc ốm đau. Hơn chục năm qua, kể từ ngày ông quyết định dựng túp lều ở rừng để canh giữ đàn chim, có những khó khăn ông dễ dàng vượt qua, nhưng cũng lắm nỗi cô đơn khó người hiểu hết. Giờ đây, ông được UBND xã Vĩnh Thái giúp đỡ nhiệt tình cũng như nhiều người dân động viên quan tâm nên việc bảo tồn được rừng đước, bảo vệ đàn chim, cò được an toàn hơn. Tình trạng săn bắn không còn nhiều như trước nữa. Đồng thời, ông còn dựng vài căn lều nhỏ để khách có chỗ nghỉ ngơi, ngắm cảnh khi thời tiết xấu...
Mong chính quyền cấp trên có phương án tốt
Ông Trương Đúng (Trưởng thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang) chia sẻ: “Mặc dù người dân địa phương hầu như đã chuyển từ rừng đước sang làm đầm nuôi tôm cá nhưng ông Hưng vẫn quyết tâm bám lấy rừng, giữ đàn chim trời. Hoàn cảnh gia đình của ông Hưng còn nhiều khó khăn. Việc ông không màng đến lợi nhuận mà chỉ cốt giữ rừng để bảo tồn thiên nhiên hoang dã được chính quyền địa phương rất hoan nghênh và ủng hộ. Hy vọng chính quyền cấp trên có phương án để ông Hưng xây dựng mô hình du lịch sinh thái tại rừng chim của gia đình. Đó là giải pháp để gia đình ông Hưng bớt khó khăn và cũng là tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương”.