Bỏ phố ra đồng
Trưa nắng chang chang nhưng bà Nguyễn Thị Thơm - ấp 12, xã Phong Tân, huyện Giá Rai, Bạc Liêu - cứ mặc kệ. Bà ngồi ngẩn ngơ nhìn 2,6ha đất nuôi tôm đang chết đỏ vuông. Kéo chiếc khăn rằn vắt vai lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bà than: “Nếu biết trước nuôi tôm khó như vầy, lúc trước tui hổng đi phá đập lấy nước mặn vào nuôi tôm mần chi. Mấy chục công đất này nếu mần lúa sống khoẻ re chẳng lo sợ gì hết”.
Lời bà Thơm làm hồi ức của chúng tôi quay về khoảng thời gian cách đây hơn 13 năm. Đó là tháng 7.1998, hàng trăm nông dân hiền lành chất phác từ các xã của huyện Giá Rai ùn ùn kéo về đập Láng Trâm (xã Tân Thạnh, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) đòi phá cho được con đập ngăn mặn giữ ngọt để lấy nước mặn vào nuôi tôm. Trước làn sóng phản ứng của nông dân, chính quyền đành phải chấp nhận lấy nước mặn vào vùng ngọt hoá Quảng Lộ - Phụng Hiệp thuộc chương trình “Ngọt hoá bán đảo Cà Mau” của Chính phủ để dân nuôi tôm.
Sự kiện đập Láng Trâm năm đó làm chấn động cả vùng ĐBSCL, buộc chính quyền phải xem lại chủ trương ngọt hoá bán đảo Cà Mau. Để rồi sau đó Nghị quyết 09/2000 của Chính phủ cho phép chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản ra đời. Chỉ trong một thời gian ngắn, diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở Bạc Liêu đã tăng vọt từ 8.000ha lên 48.000ha, kéo theo đó là sự đổi đời của hàng trăm ngàn hộ dân.
Cách đồng Chó Ngáp rộng gần 10.000ha thuộc các xã Phước Long, Ninh Thạnh Lợi, Phong Thạnh Tây, Phong Thạnh Tây A của huyện Hồng Dân ngày nào hãy còn xơ xác đất trầm thuỷ, hoang sơ một màu cỏ úa, cây lúa khó nhọc mọc lên dù người nông dân nơi đây siêng năng, cần cù chăm sóc. Ngay sau khi cho phép nuôi tôm, cánh đồng này đã thật sự chuyển mình. Những công trình thuỷ lợi được đầu tư, kéo theo là xóm, là làng và dĩ nhiên là dân nuôi tôm bồng bế nhau về đây lập ấp. Ấp Nhà Lầu 1, Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân thật sự đã có nhiều... nhà lầu do những mùa tôm đem tới.
Con tôm đem đến cuộc sống mới cho người nông dân ở vùng trồng lúa kém hiệu quả, nhưng chính nó là thủ phạm “gặm nhấm” hàng chục ngàn hécta đất chuyên trồng lúa, đất vùng đệm Vườn Chim Bạc Liêu. Ông Trương Văn Định - Trưởng ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, Bạc Liêu - bây giờ vẫn còn nhớ như in cảnh người dân lén lút đào ao tôm trên đất lúa vào ban đêm. “Thấy một hai hộ nuôi tôm hiệu quả, các hộ kế cận cố tình để nước mặn tràn vào ruộng lúa của mình, sau đó báo với chính quyền là... bỗng dưng mặn quá không trồng lúa được và xin chuyển sang nuôi tôm. Không thể để dân đói vì cây lúa, chính quyền đành... làm ngơ cho dân ưa làm sao thì làm”.
Và chỉ chờ có vậy, chưa đầy hai năm, 530ha diện tích sản xuất của ấp 15 được ghi trong sổ bộ là đất nuôi trồng thuỷ sản. Con tôm chính thức xoá xổ nông trường Đông Hải chuyên trồng lúa với trên 8.500ha tại hai xã Vĩnh Hậu A và Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình.
“Con tôm có sức hút đến lạ kỳ” - ông Trần Thanh Sơn - nguyên Viện phó Viện Kiểm sát tỉnh Bạc Liêu - nhớ lại. Từ người nông dân cho đến anh công chức, chủ tiệm vàng, chủ vật liệu xây dựng đều ùn ùn kéo nhau... bỏ phố ra đồng nuôi tôm và ông Sơn là một trong số đó. Lúc đó, rất nhiều cán bộ, đảng viên bỏ nhiệm sở ra đầm tôm, khiến cho người dân ca thán “muốn tìm cán bộ ra vuông tôm”. Tình hình nghiêm trọng đến mức, Đảng uỷ khối cơ quan cấp tỉnh Bạc Liêu phải phát hành văn bản có một không hai với nội dung cấm cán bộ, đảng viên trong giờ làm việc không được ra vuông tôm!
“Bỏ đồng đi hết rồi…”
Cánh đồng tôm xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu - nơi có hàng ngàn dân phố về đồng dạo nào - một ngày giữa tháng 11.2012 vắng lặng đến rợn người. Ngay giữa vụ tôm sú mà khắp cả mênh mang đồng chỉ nghe toàn tiếng vịt chứ chẳng còn tiếng máy, tiếng gọi nhau í ới, tiếng xe cam nhông chạy ầm ầm chở thức ăn... như dạo trước.
“Bây giờ thì bỏ đồng đi hết rồi” - ông Trần Nghỉ, người dân hiếm hoi đang... ngồi nghỉ bên vuông tôm - thở dài. Ông Nghỉ là người ở phố, về đồng đất Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình mua 34ha đất nuôi tôm và trúng mùa liên tục. Nhưng đó đã là chuyện cũ. Bây giờ gặp chúng tôi, ông giơ hai tay đầu hàng: “Năm ngoái nó (tôm sú) búng văng của tôi 5 tỉ bạc do dịch bệnh. Năm nay thả 27 ao còn đúng 8 ao cũng do dịch bệnh. Cứ cái đà này kéo dài, tôi không những bỏ đồng mà còn bỏ luôn xứ này...”.
Ông Phạm Văn On - Trưởng ấp 16, xã Vĩnh Hậu A - ủ rủ: “Ấp chỉ có 340 hộ nuôi tôm nhưng nợ ngân hàng đến 50 tỉ. Tôm chết hoài, số bỏ đi làm ăn xa, số làm thuê nơi khác. Tới đợt vận động thanh niên nhập ngũ tôi hổng biết tìm người ở đâu luôn”. Ấp 16 được mệnh danh là ấp giàu nhất tỉnh dạo năm 2005, nhưng giờ đã bị đổi tên thành “ấp nợ nhiều nhất tỉnh”.
Ông On dẫn chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Văn Quang - một điển hình của ấp. Ông Quang có 2ha nuôi tôm. Sau hai năm nuôi bao nhiêu chết bấy nhiêu, ông được liệt vào hộ nghèo, dù đang ở căn nhà khang trang trị giá gần nửa tỉ đồng. Ông nói như mếu “Mỗi tháng cầm 30.000 đồng tiền nhà nước hỗ trợ trả tiền điện mà mình thấy nhục nhã gì đâu. Phải chi mình hổng đất, hổng biết mần ăn, mà nghèo khổ thì chịu cho đáng. Đằng này...”.
Rời ấp 16, chúng tôi đến khóm Kinh Tế, phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Mới ngày nào cả khóm ngày đêm xập xình tiếng máy nổ, đêm đêm ánh đèn điện sáng rực cả một góc trời từ những đầm tôm công nghiệp, nay lặng lẽ, hoang vu. Ông Đinh Quốc Lâm - Trưởng khóm Kinh Tế - phân trần: “Làm gì còn người dân nuôi tôm công nghiệp cập vùng đệm Vườn Chim nữa. Họ bỏ của chạy lấy người lâu rồi. Khổ nhất là người dân địa phương, họ nuôi thất bại nhiều năm liền đến tán gia bại sản, nay bỏ xứ bế nhau đi lao động ở Bình Dương, TPHCM nhiều lắm”.
Tại Sóc Trăng - nơi có diện tích nuôi tôm theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp lớn nhất nước với trên 48.000ha - tình trạng cũng không sáng sủa gì với hơn 15.000ha tôm bị chết do dịch bệnh. Sóc Trăng cũng là địa phương có người bỏ xứ vì tôm nhiều nhất. Chỉ một xã như Liêu Tú của huyện Long Phú đã có trên 200 hộ dân khoá nhà dắt díu nhau đi Bình Dương, TPHCM... Những người còn vốn liếng ở lại, họ không còn thiết tha với tôm nữa mà rủ nhau... ủi ao tôm quay về trồng lúa.
Ngày chúng tôi đến, ông Lâm Tấn Bữu - ấp Giồng Chát, xã Liêu Tú - vừa “chỉ đạo” máy ủi sang lấp 7 ao tôm vừa phân bua: “Con tôm bây giờ giá bán gần bằng với giá thành, lại chịu quá nhiều rủi ro nên tôi quyết quay về trồng lúa, lời ít nhưng chắc”. Để quay về với ruộng đồng, thành một nông dân thực thụ theo đúng nghĩa đen của nó, ông bỏ ra đến 200 triệu đồng thuê máy ủi ao tôm thành đồng ruộng. Ông phân tích: “Đất nuôi tôm đã nhiễm mặn nên mấy năm đầu trồng lúa phá huề là được. Từ năm thứ 4 trở đi sẽ trồng 2 vụ/năm, mỗi hécta lãi 30 triệu đồng thôi, tôi cũng lấy vốn được rồi. Bây giờ tôi đố anh kinh doanh ngành nghề nào mà 4 năm thu hồi vốn, rồi sau đó lãi mãi được?”
Gần đó là gia đình ông Vương Văn Thọ, 75 tuổi. Kết quả của 10 năm dốc vốn nuôi 5ha tôm là... 3 đứa cháu rời quê đi lao động tại Bình Dương, 1 đứa con phải chạy xe ôm kiếm sống. Giờ thì ông ân hận và luyến tiếc cái thời chính mình là một trong những người tích cực nhất của phong trào bỏ lúa nuôi tôm. “Phải chi tui trồng lúa luôn từ trước tới giờ thì cuộc sống không đến nỗi phải khó khăn, nợ nần như thế này... Làm ruộng bây giờ sướng lắm, có khổ cực như hồi làm lúa mùa cách đây 20 năm đâu. Tất cả đều có máy móc thu hoạch thay mình hết rồi. Nông dân chỉ tính toán chọn giống, học kỹ thuật, chờ giá. Kỹ thuật làm lúa lại dễ hơn nuôi tôm mấy chục lần”.
Lần đầu tiên chúng tôi thấy người nông dân ĐBSCL toan tính thiệt hơn trên chính mảnh đất của mình. Để có được bài học “chậm mà chắc”, học phí họ phải trả lên đến hàng chục tỉ đồng, kèm theo rất nhiều hệ luỵ khác. Một cái giá quá đắt!
Những nụ cười “được mùa tôm” như thế này ngày càng ít đi ở ĐBSCL. Ảnh: Nhật Hồ
Xuất phát từ Bạc Liêu, con tôm sú “tràn” sang các tỉnh ngập nước ven biển ĐBSCL và nhanh chóng thành “mũi nhọn” của các tỉnh: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang… Nhưng sau hơn 13 năm giúp dân ĐBSCL làm giàu, con tôm đã không ít lần trở chứng và đến thời điểm này vẫn cứ đỏng đảnh như cô gái nhà giàu lần đầu về nông thôn: Nắng không ưa, mưa không chịu, dim dim thì… buồn ngủ.