Đối với loài ốc bươu đồng còn được xem là một trong những loài ốc nước ngọt có vai trò rất quan trọng trong y học (do ốc có tình hàn nên dùng để giải nhiệt, giải độc, giải rượu). Bên cạnh những loài ốc có giá trị về kinh tế, giá trị sử dụng thì ốc bươu vàng là loài ốc không mang lại giá trị, gây hại mùa màng, ảnh hưởng xấu đến nông nghiệp và tranh giành môi trường, thức ăn của ốc bươu đen, ốc lác. Vì vậy cần phân biệt rõ đâu là ốc có giá trị sử dụng, đâu là ốc có hại cần nên loại bỏ.
Đặc điểm hình thái
Ốc bươu đen – Pila polita
Ốc bươu đen. Ảnh: nld.mediacdn.vn
Vỏ ốc cỡ lớn, hình trứng, hẹp ngang. Mặt vỏ bóng, màu xanh vàng hoặc nâu đen, đồng màu. Số vòng xoắn của ốc trưởng thành là 5,5-6, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông. Vòng xoắn cuối có đường viền bên ít cong, tạo nên dáng vỏ hình trứng. Tháp ốc cao, đường viền bên tháp thẳng. Lỗ miệng hẹp dài, vành ngoài sắc, không lộn trái, lớp bờ trụ dày. Lỗ rốn dạng khe hẹp hoặc không rõ. Nắp miệng có tâm ở khoảng giữa, gần cạnh trong, mặt trong màu xanh tím.
Ốc lác – Pila occidentalis
Ốc lác. Ảnh: nld.mediacdn.vn
Vỏ ốc cỡ trung bình, dạng tròn, rộng ngang. Mặt vỏ không bóng, màu vàng xanh hoặc xanh đen, có hoặc không có đường vòng nâu sẵm song song với rãnh xoắn. Số vòng xoắn 5-5,5. Vòng xoắn cuối phồng to, đường viền bên cong, tạo nên dáng vỏ tròn. Tháp ốc thấp. Lỗ miệng rộng, gần bán nguyệt, vành miệng sắc. Lỗ rốn dạng khe hẹp ngắn ở cuối lỗ miệng, lớp sứ bờ trụ ốc mỏng. Nắp miệng có tâm gần cạnh trong, mặt trong màu trắng xanh.
Ốc bươu vàng – Pomacea canaliculata
Ốc bươu vàng. Ảnh: nicotex.vn
Vỏ ốc cỡ lớn, dáng vỏ dài, hơi hẹp ngang. Mặt vỏ màu biến đổi: ốc nhỏ (trong điều kiện gây nuôi) màu vàng, xanh; ốc lớn ngoài thiên nhiên màu nâu đen, có hoặc không có các đường vòng nâu sẫm song song. Tháp ốc cao. Số vòng xoắn 5-6, rãnh xoắn sâu. Lỗ miệng rộng hình bầu dục, gốc lỗ miệng nhô cao (nhọn), điểm khởi đầu gần sát rãnh xoắn cuối liền kề. Lỗ rốn rộng và sâu, lớp sứ bờ trụ ốc phát triển. Nắp miệng mỏng, có tâm ở gần bờ trụ.
Phân bố
Ốc bươu đen, ốc lác sống trong ao, hồ và đồng ruộng vùng đồng bằng, trung du, miền núi, phân bố hầu hết các thủy vực nước tĩnh, vùng nước nội đồng ở ĐBSCL.
Ốc bươu vàng được du nhập vào Việt Nam để nuôi làm thực phẩm và xuất khẩu vào khoảng năm 1988. Sau đó chúng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên đã phát triển thành loài động vật gây hại trầm trọng cho lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam.
Đặc điểm môi trường sống
Ốc bươu đen - Ốc lác
Chúng thường có đời sống lưỡng cư, sống trog môi trường nước chảy chậm như ao, hồ, nước tù động trong đầm lầy, mương, đồng ruộng và sông, nơi có chất hữu cơ mùn bã cao. Ốc thường đi kiếm ăn vào ban đêm, nơi có nhiều rong, bèo, rau muống,… hay nơi có các loài thực vật thủy sinh khác.
Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng thường ẩn náu dưới bùn, bờ ao, bờ mương, hồ khó phát hiện. Đêm xuống, chúng lên mặt nước cắn ngang thân cây lúa, ăn trụi thành từng đám, khiến nhiều diện tích lúa bị chết hoàn toàn. Chúng ăn thực vật (chủ yếu là thực vật đại thực, ăn thực vật bậc cao nổi hoặc chìm), mảnh vụn và động vật. Chế độ ăn uống có thể thay đổi theo độ tuổi, với những cá thể nhỏ hơn ăn tảo và mảnh vụn, và những cá thể già hơn, to hơn sau đó chuyển sang thực vật bậc cao. Ốc bươu vàng là loại thức ăn giàu đạm, khoáng và sinh tố... nên thường dùng làm thức ăn bổ sung, đạm, khoáng và sinh tố cho gia cầm ăn thường xuyên.
Dinh dưỡng
Ốc bươu
Ốc bươu đồng là loài ăn tạp thiên về thực vật như: thực vật thủy sinh, rong tảo hay ốc cũng có thể ăn xác của động vật. Nhiều loại thực vật bậc cao trên cạn như: lá khoai mì, lá chuối non, lá mùng tơi, lá rau ngót, cây bèo cái, rau muống, bắp cải, rau xà lách, bèo cám, lá đu đủ,… và nhiều loại thực vật nước sống ven bờ hay ven bờ ao.
Trong điều kiện nuôi nhân tạo ốc bươu đồng có thể ăn thêm các loại thức ăn bổ sung như: bột cám gạo, bột đậu nành, bột bắp, bột cá và thức ăn công nghiệp.
Ốc bươu vàng
Ốc bươu vàng là loài động vật ngoại lai xâm hại với đối tượng thức ăn của chúng là thực vật, thức ăn ưa thích là xà lách, mạ non, rau muống… đặc biệt là mạ dưới 3 tuần tuổi có thể bị ốc cắn ngang thân cây gây thiệt hại trên đồng ruộng với diện tích lớn. Khi ốc bươu vàng phát triển ở mật độ lớn có thể gây nguy cơ làm trắng đồng ruộng.
Sinh sản
Ốc bươu đen
Ốc bươu đen là loài sinh sản hữu tính, có con đực, con cái riêng và thụ tinh trong buồn chứa tinh của con cái. Chúng thường bắt cặp vào chiều tối và ban đêm, sau một thời gian nhất định thì ốc cái đẻ trứng. Ốc cái đẻ trứng trên cây cỏ thủy sinh lớn, thân cây cách mặt nước 10-20 cm và trứng ốc bươu đen có màu trắng từng chùm.
Ốc con bắt đầu xuất hiện trong tổ sau ngày thứ 7. Sau khoảng 12-13 ngày ốc con phất triển gần như hoàn chỉnh về cấu tạo bên trong lẫn bên ngoài, lúc này ốc sẽ tự thoát ra bên ngoài. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện nhiệt độ và độ ẩm mà thời gian nở của trứng ốc có thể kéo dài từ 12-18 ngày.
Ốc lác
Ốc bươu vàng giao phối với ốc bươu bản địa, ốc lác. Lai tạo thế hệ ốc mới có đặc tính khác biệt như: mài ốc cứng hơn (kế thừa từ ốc bản địa), cấu trúc vỏ + màu trứng + kích cỡ trứng + đặc điểm khi sinh sản giống với ốc bươu vàng "gốc". Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến ốc bản địa dần biến mất.
Ốc bươu vàng
Ốc thụ tinh trong nhóm, thường đẻ trứng vào chiều tối. Khi đẻ ra giá cao trên mặt nước, trứng bám thành chùm, màu hồng, có khoảng 120 - 500 trứng. Trứng nở sau 12 - 15 ngày, nở hết trong 2 - 7 ngày. Tuổi thọ 2 - 4 năm. Tuỳ theo loại thức ăn có được mà tốc độ sinh trưởng nhanh, chậm khác nhau. Ốc bươu vàng ăn thực vật, thức ăn ưa thích là xà lách, bèo tấm, mạ non, rau muống, v.v ... Ốc bươu vàng là đối tượng hại lúa hay dưa hấu, đặc biệt là mạ dưới 3 tuần có thể bị ốc ăn toàn bộ.
Tổng kết
Ốc bươu đen là ốc cỡ lớn, mặt vỏ bóng, màu nâu đen. Nắp mài ốc dày, lỗ miệng rộng hẹp dài. Lỗ rốn dạng khe hẹp dài. Tháp ốc cao, các vòng xoắn hơi phồng, rãnh xoắn nông. Tổng thể tháp ốc như hình tam giác nhọn.
Ốc lác là ốc cỡ trung bình, mặt vỏ không bóng. Nắp mài mỏng, lỗ miệng rộng, hình gần hình bán nguyệt. Lỗ rốn dạng khe hẹp dài. Tháp ốc có rãnh xoắn nông, tầng ốc cuối phình to, các tầng ốc trên nhỏ, thấp làm ốc có dáng tròn và có các đường kẻ sọc.
Ốc bươu vàng là ốc cỡ lớn, mặt vỏ không bóng. Nắp mài mỏng, lỗ miệng leo rộng hình bầu dục. Lỗ rốn rộng và sâu. Tháp ốc cao có rãnh xoắn sâu, có các đường kẻ sọc, tầng xoắn ốc cuối phình to, các tầng ốc còn lại nhỏ tạo thành hình tam giác nhỏ.
Ốc lác là ốc lai giữa ốc bươu đen (ốc bản địa) và ốc bươu vàng (ốc du nhập) nên tổng thể sẽ có những điểm ốc lác giống ốc bươu đen và có nhũng điểm nhìn giống ốc bươu vàng. Ốc lác giống ốc bươu đen ở chỗ lỗ miệng rộng hẹp dài, lỗ rốn dạng khe hẹp ngắn, hình dáng ốc, các rãnh xoắn nông nhưng vỏ không bóng, không lớn, nắp mài không dày như ốc bươu đen. Giống với ốc bươu vàng ở chỗ vỏ không bóng, hơi nhám tay, có các đường kẻ sọc, nắp mài mỏng, khác ở chỗ các rãnh xoắn của ốc bươu vàng sâu. Ở một số trường hợp ở ốc lác phần đỉnh ốc có thể không nhô nhọn mà bằng hoặc hơi nhô lên.