Mức phạt 1 tỷ đồng sẽ được áp dụng đối với chủ tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên nhưng không có giấy phép khai thác, giấy phép đã hết hạn hoặc không có thiết bị giám sát hành trình. Các tàu cá khai thác thủy sản tại các vùng biển nước ngoài hoặc tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn.
Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 06-12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2019.
Mức phạt này cũng áp dụng đối với các hành vi che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm khai thác thủy sản; khai thác quá mức cho phép. Ngoài ra, Nghị định cũng có quy định cụ thể đối với các vi phạm về nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản hay sử dụng xung điện, kích điện để khai thác thủy sản.
Đồng tình với những quy định trong Nghị định 42, song nhiều ngư dân còn băn khoăn. Một tàu cá trị giá vài tỷ đồng và đó là toàn bộ tài sản của ngư dân. Nếu mức xử phạt lên đến 1 tỷ đồng, ngư dân chỉ có cách bán tàu cá đóng tiền phạt và như vậy chẳng khác gì mất đi sinh kế.
Gần đây, việc tuân thủ các quy định khai thác hải sản đã chặt chẽ hơn, những vi phạm trong khai thác bất hợp pháp đã giảm rõ rệt. Vào lúc này, các cơ quan chức năng ở 28 tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân tuân thủ chặt chẽ quy định khai thác có trách nhiệm. Lẽ đương nhiên, nếu ngư dân không vi phạm thì sẽ không bị xử phạt hành chính và mức phạt cao sẽ không phải là nỗi lo.